Thời điểm phù hợp với Việt Nam để phát triển dự án điện hạt nhân

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm này là phù hợp với Việt Nam để phát triển dự án điện hạt nhân bởi đó chính là xu hướng toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hóa là chuyên gia áp dụng vật lý hạt nhân và không gian học trong điều trị ung thư. Ông là Giáo sư Khoa Y học bức xạ và Vật lý hạt nhân trường Đại học Y Chicago, bang Illinois. Còn Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trọng Thụy đang là Chủ nhiệm khoa Kỹ sư điện, Đại học San Jose, bang California. Cả hai ông đã tham gia tư vấn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam từ năm 2011, 2012 và có nhiều hoạt động hỗ trợ, đóng góp xây dựng quê hương từ hàng chục năm nay. Hai giáo sư đã có buổi trao đổi với phóng viên thường trú TTXVN tại Mỹ về việc Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng như đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.

Theo hai giáo sư, sau gần 14 năm kể từ khi hai ông được mời tham gia các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thời điểm đó điện hạt nhân với Việt Nam mới chỉ là con số 0. Đến nay đã có rất nhiều thay đổi. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng. Hai giáo sư cho rằng Mỹ là quốc gia đề cao vấn đề an ninh năng lượng đối với việc phát triển các dự án điện hạt nhân từ rất sớm.

Giáo sư Lê Trọng Thụy đã trực tiếp tham gia thiết kế 5 lò phản ứng điện hạt nhân tại Mỹ từ những năm 1990. Ông cho rằng vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia không chỉ là vấn đề của điện hạt nhân mà cần tính đến tất cả các loại năng lượng bởi một quốc gia không thể chỉ cần một loại năng lượng. Tuy nhiên, điện hạt nhân có sự đảm bảo mạnh hơn các loại năng lượng khác vì công suất đạt tới 93 - 95%, nghĩa là một năm điện hạt nhân có thể phát được tới 350 ngày, trong khi các loại điện khí được khoảng 50%, điện gió, thủy điện tối đa 40% hay điện năng lượng Mặt Trời chỉ đạt tối đa 25% thời gian phát điện.

Mỹ có một ủy ban độc lập giám sát vấn đề sản xuất điện hạt nhân, bắt đầu từ khi thiết kế, vận hành cho đến khi đóng cửa những lò điện hạt nhân đó. Ủy ban này có gần 200 điều lệ áp dụng cho các công ty cũng như cá nhân những người làm việc cho những lò phản ứng hạt nhân. Họ quản lý cả trình độ cũng như đời sống cá nhân của những người làm việc trong lò phản ứng hạt nhân. Nếu đời sống của những cá nhân này có những vấn đề bất thường thì họ ngay lập tức sẽ có những can thiệp, kể cả chấm dứt hợp đồng làm việc. Bản thân Giáo sư Thụy đã phải trải qua quá trình huấn luyện hơn 4 năm nghiêm ngặt mới lấy được giấy phép để có thể bước vào trong phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân ở Beckeley.

Giáo sư Lê Văn Hóa cho rằng việc chọn lựa vị trí, đầu tư ban đầu cho điện hạt nhân là khá tốn kém nhưng có thể duy trì hiệu quả về lâu dài. Việt Nam có thể nhìn từ kinh nghiệm của những nước khác để rút ra bài học. Theo Giáo sư Lê Văn Hóa, với điện hạt nhân, đầu tư xây dựng tốn kém nhưng lại rất rẻ khi vận hành. Năng lượng điện hạt nhân không chỉ để phát triển điện mà có thể áp dụng vào rất nhiều vấn đề như: nông nghiệp, y tế, cách lọc nước biển... Điện hạt nhân cũng sẽ tạo ra việc làm cho thị trường lao động, như Mỹ hiện nay mỗi nhà máy điện hạt nhân mang lại cho nền kinh tế 60 tỷ USD lợi nhuận trong cả vòng đời vận hành.

Giáo sư Lê Trọng Thụy cũng đề cập tới kinh nghiệm của Mỹ trong việc sử dụng tro của nhà máy điện than để lấy chất phóng xạ dùng cho nhà máy điện hạt nhân. Ngay cả Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã làm như vậy. Rất nhiều nước trên thế giới đã có các chương trình phát triển điện hạt nhân.

Hai giáo sư đánh giá điện hạt nhân sẽ là tương lai của ngành năng lượng sạch, giảm khí thải carbon. Vẫn còn rất nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc phát triển các nhà máy sản xuất điện hạt nhân. Hai giáo sư cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình xây những lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ. Chẳng hạn như Mỹ đang làm những lò phản ứng với công suất chỉ 5 megawatt (MWh) cung cấp điện cho khoảng 3.000 ngôi nhà. Những nhà máy theo mô hình nhỏ này nếu đưa về Việt Nam sẽ có thể cung cấp được cho khoảng 5.000 ngôi nhà vì diện tích nhỏ hơn. Quan trọng là chọn đường hướng nào cho đường tải điện, chọn công suất nhỏ để tiết kiệm chi phí đầu tư, có ý tưởng và mục đích rõ ràng, phát triển điện hạt nhân đi đâu và cho ai... Với vị trí địa lý hẹp và có đường biển dài, Việt Nam không nên phát triển dự án quy mô lớn và đường đi xa, nên phát triển đi dọc theo đường bờ biển với những nhà máy nhỏ.

Theo hai giáo sư, không nên xây dựng những nhà máy điện hạt nhân quá lớn với công suất hàng nghìn MWh và thời gian xây dựng mất nhiều năm rất tốn kém. Ngoài ra, hai giáo sư cũng lưu ý cần có phương án đề phòng sóng thần khi phát triển Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cuối cùng, cả hai giáo sư đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian này là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, trung hòa carbon. Thời điểm này là phù hợp với Việt Nam để phát triển dự án điện hạt nhân bởi đó chính là xu hướng toàn cầu. Năng lượng điện hạt nhân sạch sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế vừa đáp ứng mục tiêu Net Zero.

Kiều Trang (TTXVN)
'Chìa khóa' giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân
'Chìa khóa' giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về tình hình phát triển điện hạt nhân tại châu Âu, chuyên gia Bùi Nguyễn Hoàng, kỹ sư, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 thuộc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN