Thủ phạm đằng sau cuộc chiến giá dầu

Câu hỏi được đặt ra kể từ khi giá dầu sụt giảm từ giữa năm 2014 đến nay là: Thủ phạm khiến giá dầu sụt giảm là ai? Saudi Arabia? Mỹ? Hay chính phủ Saudi Arabia và Mỹ cùng hợp tác để làm hại Nga? Và nếu cuộc chiến dầu mỏ đó tiếp tục, giá dầu sẽ giảm xuống bao nhiêu trong năm 2015?

Một số nhà phân tích dự đoán giá dầu có thể giảm xuống 20 USD/thùng, nền kinh tế Mỹ có thể mất hàng triệu việc làm có lương cao, hàng tỷ USD trái phiếu năng lượng có thể vỡ nợ và hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư phái sinh có liên quan đến ngành năng lượng sẽ "phát nổ".

Không một ai có thể biết mức đáy của giá dầu sắp tới.


Hệ thống tài chính toàn cầu hiện cực kỳ dễ bị tổn thương và việc cố tình khiến giá dầu sụt giảm là một trong những yếu tố giảm phát lớn nhất mà con người có thể làm ra. Cho dù ai đứng sau cuộc chiến dầu mỏ này, thì họ đều đang "đùa với lửa" và đến cuối năm 2015, toàn thế giới có thể phải xử lý hậu quả.

Ngay từ khi giá dầu thế giới bắt đầu giảm, người ta đã chỉ ra thủ phạm là Saudi Arabia, quốc gia chắc chắn đang thao túng giá dầu để đạt được những mục tiêu địa chính trị của họ. Trong những năm 1990, Saudi Arabia đã quyết định giảm giá dầu để "tiêu diệt" Nga, vốn bị coi là nguy cơ đối với uy quyền dầu mỏ tối cao của quốc gia vùng Vịnh này.

Năm 1998, Saudi Arabia đã thành công, khi giá dầu giảm một nửa, từ 25 USD/thùng, xuống còn 12 USD/thùng, Nga đã bị vỡ nợ. Saudi Arabia cũng đã thao túng khiến giá dầu tăng, khi giá dầu đạt mức cao nhất trong lịch sử là 147 USD/thùng năm 2008.

Bằng việc khiến giá dầu sụt giảm hiện nay, Saudi Arabia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có một đặc quyền trong việc "tiêu diệt" các đối thủ cạnh tranh có chi phí khai thác cao hơn như các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ, những người chắc chắn thiệt hại nặng khi giá dầu giảm.

Ngay từ trước khi giá dầu giảm, Saudi Arabia đã bán dầu hạ giá cho Trung Quốc. Việc OPEC từ chối giảm sản lượng ngày 27/11 là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy việc giá dầu giảm là một cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Mỹ. Nếu Saudi Arabia muốn ổn định giá dầu, họ có thể làm ngay được điều đó bằng tuyên bố cắt giảm sản lượng.

Ngoài việc muốn làm hại các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ, một số nhà phân tích tin rằng Saudi Arabia đang quyết tâm "trừng phạt" Iran, bởi vì Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh coi Iran là kẻ thù khu vực chủ chốt của họ. Họ đều biết rằng Iran, với nền kinh tế gặp khó khăn do tham nhũng và bị các lệnh trừng phạt của phương Tây làm tê liệt, đang rất cần giá dầu cao, nhưng họ không có ý định giúp đỡ. Thực tế rằng Saudi Arabia có thể chịu đựng giá dầu thấp trong 1 - 3 năm, do chi phí khai thác dầu ở nước này gần như thấp nhất thế giới và trữ lượng dầu mỏ lớn.

Một số nhà phân tích khác cho rằng Mỹ và Saudi Arabia đang hợp tác với nhau làm giá dầu giảm, và mục tiêu thực sự của họ là hủy diệt Nga. Theo giới chuyên môn, chắc chắn là Tổng thống Mỹ Barack Obama đang muốn "trừng phạt" Nga vì những gì đang diễn ra tại Ukraine. Việc khiến giá dầu giảm là một trong những cách tốt nhất để trừng phạt. Và nếu ngành dầu đá phiến Mỹ bị tổn hại trong tiến trình này, đó sẽ là một "phần thưởng" phụ của các nhà bảo vệ môi trường cực đoan trong chính phủ Obama.

Cũng có những ý kiến khác, coi cuộc chiến giá dầu hiện nay phức tạp hơn, là một cuộc chiến ba bên giữa OPEC, Nga và Mỹ. Bởi vì với việc Nga và OPEC đều đang sản xuất dầu hết công suất và từ chối từ bỏ thị phần, dầu đá phiến của Mỹ sẽ không thể cạnh tranh. Tuy nhiên sức sống của ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ khiến họ có thể tồn tại và làm ăn có lãi.

Cho dù động cơ thực sự của cuộc chiến giá dầu hiện nay là gì, cuộc chiến này dường như sẽ không sớm kết thúc. Điều đó có nghĩa rằng giá dầu thô thế giới sẽ tiếp tục sụt giảm. 

Vậy giá dầu có thể giảm đến mức nào? Có nhiều ý kiến cho rằng giá dầu thô có thể giảm xuống mức 30 USD/thùng, thậm chí có thể giảm xuống mức 20 hoặc 14 USD/thùng. Nhưng do không có dự báo nào về việc giá dầu đột ngột giảm mạnh trong năm 2014, nên hiện không một ai có thể biết mức đáy của giá dầu sắp tới.   


Dương Hoa

Trung Quốc giúp Nga vượt khó: Bằng cách nào và để làm gì?
Trung Quốc giúp Nga vượt khó: Bằng cách nào và để làm gì?

Tại thời điểm nước Nga đối mặt với thách thức kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, Moskva đã nhận được một cam kết quan trọng từ Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN