Thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong kinh doanh - Khẳng định vị thế doanh nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp. Ứng dụng sở hữu trí tuệ trong kinh doanh đóng vai trò quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp cũng như gia tăng giá trị sản phẩm, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Để sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao giá trị, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, phải có chiến lược quản lý và sử dụng các giải pháp sở hữu trí tuệ.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Sun Tech. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Sở hữu trí tuệ gắn với đổi mới công nghệ

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới cũng như ở Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Tuy nhiên, chính những khó khăn, thách thức cùng sở hữu trí tuệ chính là "đòn bẩy" để doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng khẳng định: Vấn đề sở hữu trí tuệ hiện mang tính "sống còn" đối với doanh nghiệp và là tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp không tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, không thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong kinh doanh thì không thể tồn tại và phát triển bền vững cũng như không thể khẳng định được vị thế trên thị trường.

Ông Trần Lê Hồng cho biết, tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp gồm 3 phần: Tiền vốn, tài sản hữu hình (nhà xưởng, trang thiết bị …) và tài sản vô hình. Theo đó, tài sản vô hình chính là tài sản trí tuệ, uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp để khẳng định được vị thế trên thị trường. Tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có thể kể đến: Thương hiệu/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, các giải pháp kỹ thuật, đổi mới công nghệ hay công nghệ mới ứng dụng trong sản phẩm...Đây được xem là thước đo sự "tồn tại", tiềm năng cũng như hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã "phá vỡ" các mô hình hoạt động và kinh doanh cũ của doanh nghiệp. Thay vào đó là việc ứng dụng những công nghệ mới hay buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Ông Trần Lê Hồng cho rằng, sự thay đổi mô hình kinh doanh do chuyển đổi số sẽ tạo ra hiệu quả theo cấp số nhân cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được những lợi thế để vươn cao, vươn xa trong nền kinh tế thị trường mở hiện nay.

Nhận thức được vai trò của sở hữu trí tuệ, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong việc sở hữu tài sản trí tuệ. Điển hình, thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, đến nay cả nước có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ, trong đó 21 sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của Trung ương do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, 271 sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của các địa phương và hơn 200 sản phẩm được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác và xã hội hóa... Việc tiếp cận, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp sở hữu tài sản trí tuệ đã mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam nói chung cũng như giá trị và vị thế của doanh nghiệp Việt nói riêng trên thế giới.

Thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối các hộ nông dân hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tập trung, khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và từng bước vươn xa ra thị trường thế giới. Vì vậy, tài sản trí tuệ về khoa học, công nghệ, nghệ thuật, đổi mới sáng tạo,... đã định vị lại thị trường cũng như sự tồn tại, phát triển thịnh vượng cho các doanh nghiệp.

Sở hữu trí tuệ - tài sản của doanh nghiệp

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, bất kỳ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào cũng cần xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp. Chiến lược kinh doanh này phải gắn với sở hữu trí tuệ bởi đó chính là tài sản để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, bứt phá.

Trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đều phải huy động các nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo ra hoặc sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ (hoạt động sáng tạo, bảo hộ, quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ...) để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành một loại tài sản đặc biệt góp phần nâng cao giá trị và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, loại tài sản này cần phải được quản lý và sử dụng có chiến lược. Doanh nghiệp nào ý thức và đánh giá đúng giá trị sở hữu trí tuệ là tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó có bước đi vững chắc. 

Đánh giá vai trò sở hữu trí tuệ đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, các chuyên gia đều cho rằng, sở hữu trí tuệ là chìa khóa để doanh nghiệp tạo động lực đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số, đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, doanh nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, tiếp nhận các thành tựu kỹ thuật có sẵn thông qua chuyển giao công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà và bứt phá nhanh hơn.

Cùng với việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong kinh doanh để khẳng định vị thế doanh nghiệp, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng quyết định việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược sở hữu tài sản trí tuệ. Lãnh đạo doanh nghiệp phải định hướng, xác định chiến lược và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển giá trị tài sản doanh nghiệp thông qua thúc đẩy tài sản sở hữu trí tuệ. 

Chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng, các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh cần sử dụng các tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, sáng chế kiểu dáng công nghiệp… như "đòn bẩy" để tìm kiếm nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp, để sở hữu trí tuệ trở thành tâm điểm của sự thành công hay thất bại bởi tài sản trí tuệ tác động nhiều đến các hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong các tài sản trí tuệ, kiểu dáng nhãn hiệu, công nghiệp, tên thương mại... có tác động rõ nét nhất bởi khi nhắc đến một nhãn hiệu hay kiểu dáng, người tiêu dùng có thể nghĩ ngay đến sản phẩm, đặc trưng và uy tín doanh nghiệp. Nhãn hiệu có uy tín, được thị trường và người dùng biết đến giúp doanh nghiệp tạo dựng vị thế, hình ảnh vững chắc của doanh nghiệp trên thị trường. Nhãn hiệu cũng góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hóa.

Đặc biệt, nhãn hiệu của doanh nghiệp là một phần tài sản đã được sự bảo hộ của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền và pháp luật trong vấn đề hạn chế và chống lại các đối thủ cạnh tranh lấy cắp tài sản trí tuệ để làm giả, lợi dụng uy tín lớn của doanh nghiệp kiếm lời. Sự bảo hộ của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền và pháp luật trong vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn bảo hộ thương hiệu, giá trị tài sản doanh nghiệp cả ở nước ngoài. Vì vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề sở hữu trí tuệ để thành công trong kinh doanh. 

Trước thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã và đang tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp.

HL (TTXVN)
Đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chè
Đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chè

Ngày 29/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo đánh giá hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh về đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phầm chè đã được bảo hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN