Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang tạo cơ hội để cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Nông sản Việt đang từng bước thâm nhập sâu vào thị trường EU, góp phần tăng giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là hướng tới xây dựng thương hiệu theo định hướng trách nhiệm, minh bạch, bền vững.
Tăng trưởng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương mại nông lâm thủy sản hai chiều Việt Nam - EU liên tục tăng trưởng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020. Đặc biệt từ khi có Hiệp định EVFTA, năm 2021 con số này đạt 5,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 2,145 tỷ USD, với mức tăng trưởng 36,6%.
Nhiều sản phẩm có sự tăng trưởng với 2 con số như cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu… đặc biệt là gạo đang có mức tăng trưởng với 3 con số. Mặc dù vậy, tỷ trọng một số ngành hàng của Việt Nam trong việc khai thác thị trường này vẫn thấp. Với mức cam kết thuế từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tận dụng cơ hội để tăng cường thị phần, nâng cao nhận diện tại khu vực này.
Hiệp định đã mở ra cơ hội trông thấy đối với sản phẩm gạo Việt. Là doanh nghiệp có sản lượng gạo lớn nhất xuất khẩu sang EU tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, bà Vũ Thị Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh cho biết, từ khi có Hiệp định, cơ hội mở ra rất nhiều với gạo Việt Nam sang khu vực này. Năm đầu tiên của Hiệp định, Việt Nam đã không sử dụng hết hạn ngạch EU cấp nhưng năm nay ngay từ quý I, các doanh nghiệp đã sử dụng hết hạn ngạch của quý. Doanh nghiệp phải chờ quý mới để có hạn ngạch tiếp theo.
Cùng nhờ Hiệp định mà các doanh nghiệp đã tự tin mang sản phẩm với thương hiệu gạo Việt chinh phục thị trường EU. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trước đây doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo với nhãn mác của nhà nhập khẩu, nay doanh nghiệp đã xuất khẩu hoàn toàn với thương hiệu gạo của Trung An và đã được người tiêu dùng châu Âu đón nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn xuất khẩu thêm sản phẩm sau gạo như bún, phở khô… Nhu cầu các sản phẩm này của EU rất lớn, doanh nghiệp phải mở rộng thêm để đáp ứng.
Với lợi thế được đánh giá nguồn cung cấp thủy sản lớn cho thế giới cũng như EU, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, Hiệp định đã tạo điều kiện rất lớn cho thủy sản vào EU. Cùng với Hiệp định và sự hồi phục sau dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đạt kết quả rất khích lệ.
“Từ những ưu đãi về thuế quan đã khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh về chất lượng. Hiệp định giúp các doanh nghiệp đi vào chiều sâu hơn từ sản lượng đến giá trị gia tăng của sản phẩm. Doanh nghiệp trong tâm thế coi Hiệp định là chìa khóa để vào thị trường EU tốt hơn. Không chỉ là sẽ có khách hàng, có sản lượng mà là sự chuẩn bị, đầu tư để tạo niềm tin với nhà nhập khẩu”, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Hiệp định EVFTA đã giúp tạo niềm tin giữa doanh nghiệp hai bên, xác lập các vấn đề kinh doanh lâu dài, ổn định. Các nhà nhập khẩu cũng đánh giá và chọn lựa Việt Nam là nguồn cung cấp ổn định hơn so với trước đây. Đây là yếu tố giúp cho thủy sản tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng sẽ ổn định.
Doanh nghiệp không chỉ lo khai thác tối đa thuế quan mà quên đi chuyện đầu tư cho lâu dài. Họ đã cùng với nhà nhập khẩu mở rộng sản phẩm theo xu hướng thị trường. Từ đó tác động của Hiệp định cũng mạnh hơn, ông Trương Đình Hòe cũng chỉ ra.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng tại EU, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết, nhóm rau quả có tiềm năng lớn nhất. Bởi, mỗi năm EU nhập khẩu khoảng 120 tỷ USD, chiếm tới 40% tổng xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Nhưng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU mới đạt 194 triệu USD (năm 2021), chiếm thị phần rất nhỏ mà EU đang nhập khẩu. Cơ cấu xuất khẩu rau củ quả sang EU với rau củ quả tươi khoảng 70%, chế biến 30%.
Nâng chất, xây dựng uy tín
Hưởng lợi từ thuế trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng, nhưng nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. EU là một thị trường với những yêu cầu cao, khắt khe về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Để tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường này, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hướng tới các yếu tố phát triển bền vững vì người tiêu dùng EU đang ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được tạo ra có đáp ứng được các yếu tố bảo vệ môi trường hay bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo ông Trần Văn Công, mặc dù điều kiện nhập khẩu rất dễ vì hầu hết sản phẩm nhập khẩu vào EU không yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; không yêu cầu khắt khe về xử lý kiểm dịch thực vật như: khử trùng, xử lý hơi nước nóng… Nhưng EU thiên về hậu kiểm, nên sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm phải đạt dưới mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y (MRL) và doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng trong an toàn thực phẩm - HACCP.
Nếu đầu tư vào sản phẩm chế biến, ông Trần Văn Công khuyến nghị, mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường, thị hiếu rất quan trọng, vì EU phân loại các sản phẩm theo các đối tượng khách hàng khác nhau. Doanh nghiệp có thể thâm nhập để cung cấp sản phẩm cho các nhà máy chế biến thực phẩm hoặc xuất khẩu trực tiếp để phân phối vào các cửa hàng tiện ích thì mẫu mã phải thân thiện với môi trường. Một số nước đã khuyến khích sử dụng vật liệu có thể tái chế.
Hay việc EU luôn cập nhật, gia tăng các biện pháp SPS. Doanh nghiệp cần kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y cho phép trong sản phẩm. Nếu hàng hóa không đạt yêu cầu thì EU dễ đưa ra các biện pháp kiểm soát bổ sung như: ngoài chứng nhận kiểm dịch sẽ thêm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tăng tần suất kiểm tra sản phẩm… Khi mức độ vi phạm vẫn tăng, mặt hàng đó sẽ dễ bị dừng xuất khẩu vào EU. Hiện một số nông sản Việt Nam đang chịu mức kiểm soát chặt chẽ của thị trường này như rau gia vị, thanh long…
Tuy Hiệp định EVFTA có yêu cầu về những chuẩn mới như môi trường, lao động… nhưng theo ông Trương Đình Hòe, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp thủy sản đầu tư đáp ứng cho không chỉ với thị trường châu Âu mà còn cho các thị trường khác. Đây là động lực để các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động này, góp phần mở rộng thương mại với thị trường EU cũng như các thị trường khác.
EVFTA cũng là hiệp định đầu tiên và duy nhất có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đã có 39 bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại lợi ích tốt hơn cho nông dân và doanh nghiệp như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng… Việc mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được thông qua đàm phán trong thời gian tới.
Theo ông Trường Đình Hòe, hai năm qua, Hiệp định chưa phát huy hết tác động do Việt Nam cũng như EU gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với dịch COVID-19. Thời gian tới, với sự quan tâm của Nhà nước trong việc tạo hành lang, môi trường thì doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời, tốt hơn với lợi thế mà Hiệp định mang lại để có được hoạt động thương mại phát triển.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, các mặt hàng trao đổi giữa Việt Nam và EU có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia tích cực vào chuỗi lương thực toàn cầu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng hợp tác với EU để tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo tiêu chuẩn, hạn chế rào cản thương mại mới để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, tăng cường lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bài cuối: Yếu tố then chốt để tận dụng cơ hội