Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Choi Sang Mok nhấn mạnh: Việt Nam và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nước ngoài trực tiếp số một tại Việt Nam tính theo lũy kế, điều này khiến Việt Nam trở thành quốc gia hợp tác kinh tế trọng điểm của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Choi Sang Mok nhấn mạnh hai nước cần tăng cường mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đầu tư căn cứ theo những thỏa thuận chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đưa ra. Phó Thủ tướng Choi Sang Mok cho rằng hai nước cần thúc đẩy triển khai các thỏa thuận trong các lĩnh vực mở rộng thương mại; tăng cường đầu tư; hợp tác thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng; hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và nguồn nhân lực. Ông cho biết phía Hàn Quốc mong muốn thúc đẩy triển khai nhanh thỏa thuận về hỗ trợ nguồn vốn thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 4 tỷ USD.
Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hàn Quốc có thế mạnh. Trong tình hình mới, quan hệ hợp tác giữa hai nước cần thúc đẩy theo hướng phát huy thế mạnh bổ sung cho nhau và đôi bên cùng có lợi. Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp ODA. Cùng với đó, các khoản vay được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Quỹ EDCF và Quỹ EDPF tiếp tục được mở rộng. Trong bối cảnh hai bên đã ký kết các Hiệp định khung với tổng vốn cam kết lên tới 4 tỷ USD, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phía Hàn Quốc phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan hữu trách Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai các dự án mới sử dụng nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn EDPF.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn tăng cường hiệu quả các lĩnh vực hợp tác nói chung và hợp tác tài chính nói riêng với Hàn Quốc. Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí... tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các cam kết hội nhập. Việt Nam đã áp dụng quy định tình thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Được biết Hàn Quốc cũng áp dụng quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 nên phía Việt Nam mong muốn hai bên có chia sẻ, trao đổi về xây dựng và thực hiện chính sách.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) Kim Joo Hyun. Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi ý kiến về các xu hướng trong ngành tài chính của hai nước và thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác tài chính, trong đó có thị trường vốn. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin về tình hình thị trường tài chính Việt Nam, thu hút đầu tư từ Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán. Năm 2024, hầu hết các tổ chức trong và ngoài nước đều dự báo kinh tế Việt Nam có cải thiện hơn so với năm 2023, tăng trưởng GDP trong khoảng 5,5 - 7,0% và lạm phát ở mức từ 3,4 - 4,5%. Động lực tăng trưởng năm 2024 đến từ những thành tựu đổi mới, hội nhập và phát triển trước đó, nổi bật là sự ổn định và đảm bảo các cân đối vĩ mô. Việt Nam vẫn là điểm đến của quá trình chuyển dịch cơ cấu và các dòng vốn quốc tế nhờ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và vị trí địa chính trị.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Ủy ban chứng khoán nhà nước và phía Hàn Quốc đã ký kết và thực hiện nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán, trao đổi thông tin, hỗ trợ hạ tầng công nghệ... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường vốn phát triển của Hàn Quốc có thể là hình mẫu cho Việt Nam, đồng thời mong muốn Hàn Quốc tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong trong thiết kế thể chế, giám sát và điều tiết liên quan đến thị trường vốn. Đặc biệt chú trọng chia sẻ thông tin thông qua các chương trình đào tạo tại chỗ (OJT) về hoạch định chính sách quản lý thị trường, cũng như đề án phát triển thị trường trong dài hạn, phát triển thị trường chứng khoán xanh và bền vững; tăng cường hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin để thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn nữa của các doanh nghiệp tài chính có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc Kim Joo Hyun cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia mà các công ty tài chính Hàn Quốc thâm nhập vào nhiều nhất. Các công ty Hàn Quốc với kinh nghiệm phát triển của ngành tài chính, trong đó có thị trường vốn đã hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thực và cũng sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Kim Joo Hyun đề xuất thiết lập kênh hợp tác chặt chẽ giữa Ủy ban Dịch vụ tài chính với Bộ Tài chính Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, Đoàn công tác của Bộ Tài chính cũng có các cuộc làm việc với Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), Tập đoàn tài chính Hana, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM)...