Việc đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tiến độ xây dựng các dự án thành phần ở các khu, điểm TĐC ở Sơn La còn rất chậm, việc quyết toán các dự án công trình hoàn thành và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ di dân cũng chậm so kế hoạch đề ra.
Nhiều bất cập
Tỉnh Sơn La có hai dự án lớn phải đẩy nhanh tiến độ, tập trung hoàn thành trong năm nay, là dự án tái định cư thủy điện Sơn La và đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là đề án 1460).
Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
|
Theo Ban Chỉ đạo dự án TĐC tỉnh Sơn La, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9.195 hộ, đạt 82% tổng số hộ di dân TĐC, còn trên 2.000 hộ chưa được cấp. Một số hộ TĐC chưa nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do đền bù đất nơi ở cũ chưa thỏa đáng. Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm TĐC thủy điện Sơn La, các đơn vị mới hoàn thành 18 dự án, 147 dự án khác đang thi công dở dang. Việc giải ngân, thanh toán các dự án thành phần cũng chậm, do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, có đơn vị thi công không có khả năng hoàn thành dự án do yếu năng lực, cá biệt có doanh nghiệp được ứng tiền 70% tổng vốn công trình nhưng đã hơn bốn năm nay, dự án vẫn chưa hoàn thành như đường giao thông ven hồ tại khu TĐC Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, gây khó khăn trong việc lưu thông, đi lại của bà con vùng ven hồ.
Tỉnh Sơn La đã phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường cho 25.8 hộ với giá trị hơn 963 tỷ đồng, giải ngân thanh toán đạt 98% giá trị đã phê duyệt, chậm với tiến độ kế hoạch đề ra. Trong khi theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu tại Thông báo 172/TB-VPCP về dự án di dân, TĐC thủy điện Sơn La; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, rà soát lại danh mục các dự án thành phần, trên cơ sở đó để xác định tổng nhu cầu vốn còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án di dân, TĐC thủy điện Sơn La; nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ các dự án thành phần trong quý IV/2015. Theo Quy hoạch tổng thể di dân, TĐC dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc dự án di dân, TĐC thủy điện Sơn La của tỉnh Sơn La là 12.584 hộ, 58.337 khẩu, tiến hành triển khai thực hiện từ năm 2003.
Sớm ổn định đời sống người dân
Đối với Đề án 1460, tỉnh Sơn La đã bồi thường hỗ trợ cho hộ dân gần 75 tỷ đồng. Số hộ cần sắp xếp ổn định dân cư là 1.830 hộ dân; trong đó 0 hộ với 2.852 nhân khẩu di chuyển do thiếu đất sản xuất và đất ở, 1.150 hộ với 5.587 nhân khẩu phải di chuyển do không có đất ở (đã có đủ đất sản xuất) nhưng đến nay Sơn La vẫn lúng túng trong việc di chuyển dân do việc lựa chọn xây dựng điểm TĐC chưa phù hợp, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất (16 điểm TĐC tập trung thuộc các xã Chiềng Chung, Chiềng Lương huyện Mai Sơn) và 29 điểm dân cư trong nội bộ xã cho các hộ thiếu đất ở. Đến thời điểm này tỉnh Sơn La mới hoàn thành đưa vào sử dụng 81 dự án, trong tổng số khoảng 250 dự án đã được phê duyệt.
Thực hiện Đề án 1460, tỉnh Sơn La đã hoàn thành 79 dự án, 10 dự án đang thi công và còn 167 dự án chưa thi công. Do triển khai đề án gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có Quyết định Số 401/QĐ-TTg ngày 27/3/2015, phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2017. |
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vùng ảnh hưởng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La gồm 50 xã và 2 thị trấn. Mục tiêu chung của đề án là đến năm 2015, ổn định được nơi ở của các hộ dân, không còn hộ thiếu đất sản xuất và hộ đói, giảm hộ nghèo xuống bằng mức bình quân chung của tỉnh. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn là 1.656,6 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Sơn La mới triển khai khoảng 1/4 công việc, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án còn cao so với mức bình quân chung của cả tỉnh…
Từ thực tế này, tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2017 ưu tiên sắp xếp TĐC cho 1.017 hộ dân. Sơn La chú trọng phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm bảo đảm an ninh lương thực, phát triển chăn nuôi các vật nuôi truyền thống (trâu, bò, ngựa, dê). Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2015 cơ cấu kinh tế trong vùng dự án: Nông, lâm, ngư nghiệp (47%); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (35%); thương mại, dịch vụ (18%). Từ nguồn vốn đề án, Sơn La tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường ô tô đến các xã và đường đến các bản đi lại được bốn mùa, đảm bảo 95% số hộ trong vùng Đề án được sử dụng điện lưới quốc gia và được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Đến hết năm 2015, vùng dự án phấn đấu không còn hộ đói, hộ nghèo bằng mức bình quân chung của cả tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm.
Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã đề nghị các sở, ngành liên quan, các huyện có dự án tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu, hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân, triển khai sớm những dự án nâng cấp các công trình xuống cấp, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư, tập trung quyết toán các công trình theo đúng tiến độ, tiếp tục rà soát những vướng mắc để giúp đồng bào tái định cư ổn định đời sống và sản xuất.