Mặt khác, Ban quản lý dự án, nhà thầu... đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn; đồng thời, huy động nhân lực, thiết bị, các đơn vị nhà thầu phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để COVID-19 tái bùng phát đảm bảo thi công liên tục, thông suốt, an toàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang giao các sở, ban, ngành và địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, lập kế hoạch giải ngân gắn với kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Yêu cầu các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định để giải ngân hết số vốn được duyệt.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các đồng chí bí thư huyện, thành, thị ủy chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thường xuyên giao ban, kiểm tra, bám sát tiến độ thực hiện từng dự án của đơn vị mình; kịp thời rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước các cấp đảm bảo nguồn vốn thanh toán cho các dự án kịp thời; rút ngắn thời gian kiểm soát chi, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư xử lý ngay vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán cũng như công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công gắn với chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Năm 2022, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước tại Tiền Giang gần 3.941 tỷ đồng được bố trí cho 328 công trình cấp tỉnh quản lý; trong đó, có 255 công trình chuyển tiếp và 73 công trình khởi công mới trên các ngành, lĩnh vực chưa kể các nguồn vốn hợp pháp khác được UBND tỉnh phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương huy động cho đầu tư phát triển trên địa bàn.
6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã giải ngân khoảng trên 2.021 tỷ đồng, đạt trên 51% tổng nguồn vốn đầu tư công, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Phát huy thành quả trên, địa phương phấn đấu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022, sớm hoàn thành các công trình, dự án đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã tổ chức giao ngay kế hoạch vốn năm 2022 cho các chủ đầu tư, ưu tiên tập trung cho các công trình chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; các công trình trọng điểm; các công trình xây dựng huyện - xã nông thôn mới... Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nguồn lực quan trọng để bù lại những ngành bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 thời gian qua.
Đồng thời, UBND tinh quan tâm điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có khối lượng thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao, hoàn thành trong năm; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng sạch thi công gắn với thực tiện tốt chuẩn bị đầu tư, nhất là tập trung hoàn thành chuẩn bị đầu tư các công trình vốn ngân sách trung ương khởi công mới.