Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Tạo bước đột phá, đưa Na Hang đổi mới, phát triển bền vững

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Na Hang (Tuyên Quang) lần thứ XXI đề ra, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Na Hang đã phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương... tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Na Hang thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Với phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, Na Hang hôm nay đang vững bước trên con đường đổi mới.

“Dấu ấn” nhiệm kỳ

Với việc tập trung thực hiện tốt các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm… sau 5 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, huyện Na Hang đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Huyện đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 571 tỷ đồng, vượt 0,2% Nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 27,2 triệu đồng/người/năm, vượt 4,6% mục tiêu Nghị quyết, hoàn thành mục tiêu đưa Na Hang thoát khỏi tình trạng kém phát triển…

Chú thích ảnh
Người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu hái chè. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Thành tựu nổi bật nhất của huyện Na Hang trong nhiệm kỳ vừa qua chính là thực hiện tốt các mô hình, dự án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch chi tiết để thực hiện, tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Trồng tập trung 100 ha đậu tương (ở các xã Khâu Tinh, Sinh Long, Thượng Nông); 60 ha đậu xanh (các xã Yên Hoa, Đà Vị, Thượng Giáp); 20 ha lúa nếp đặc sản (xã Thượng Nông, Côn Lôn); triển khai dự án trồng 30 ha rau trái vụ (các xã Hồng Thái, Khâu Tinh); cải tạo, chăm sóc 80 ha chè Shan tuyết (xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú)… Cùng với đó, huyện đã vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Qua đó, giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 50,08% (năm 2015) xuống còn 25,56%, giảm 4,9%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng được huyện tích cực triển khai. Phát huy nội, ngoại lực đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được trên 172 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; bê tông hóa trên 15,4 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; huyện có 04/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, vượt 33,3% mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, Na Hang còn quan tâm, chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ. Huyện đã thành lập và duy trì 10 câu lạc bộ hát then, đàn tính nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để thu hút khách du lịch: Ngày hội văn hóa du lịch vùng cao, liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính, trình diễn trang phục các dân tộc và nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ, đua xe đạp địa hình... Mỗi năm, huyện thu hút trên 1 nghìn lượt khách du lịch; doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 132 tỷ đồng.

Mặc dù, là huyện vùng cao không có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, nhưng ngành công nghiệp ở Na Hang 5 năm qua vẫn đạt được kết quả nổi bật. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 dự kiến đạt trên 1.251 tỷ đồng, vượt 4,3% mục tiêu Nghị quyết; lĩnh vực thương mại được quan tâm đầu tư phát triển; toàn huyện có 50 doanh nghiệp, 1.260 hộ kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu luân chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 2,5 triệu USD, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo việc làm, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được huyện quan tâm…

Đổi mới, phát triển bền vững

Những thành tựu huyện Na Hang đạt được trong 5 năm qua, đã tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhanh hơn trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được Na Hang vẫn còn những hạn chế: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa đạt nhiều tiến bộ nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường; các công trình giao thông được đầu tư, song chưa đồng bộ, tỷ lệ cứng hóa còn thấp, nguồn lực đầu tư phát triển đô thị còn nhiều khó khăn...

Trước ngày diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy Na Hang cho biết: Na Hang được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện của tỉnh. Vì vậy, mọi công tác chuẩn bị trước Đại hội đã được huyện tích cực triển khai, trong đó, bao gồm việc tìm ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để có hướng đi phù hợp cho những năm tiếp theo. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển” Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Na Hang sẽ tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương kết hợp với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực khác để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; quyết tâm xây dựng huyện Na Hang phát triển bền vững.

Huyện sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng nông thôn mới, tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; khai thác có hiệu quả Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình gắn với phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, huy động mọi nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ...

Na Hang phấn đấu đến năm 2025 đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên triệu đồng/người/ năm; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; 70% số trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%/năm... Đồng thời, phấn đấu đưa thị trấn Na Hang đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025.

Vũ Quang (TTXVN)
Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò
Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò

Với thuận lợi về điều kiện tự nhiên cùng kinh nghiệm lâu năm, người dân vùng cao Na Hang, Tuyên Quang không chỉ thoát nghèo từ nuôi trâu mà còn góp phần gây dựng thương hiệu cho đàn trâu nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN