Thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã trở thành kênh huy động vốn chủ đạo cho Ngân sách Nhà nước, đóng góp không nhỏ trong việc phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ và nâng cao độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế
Theo báo cáo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2014, đấu thầu tập trung tại HNX đã huy động được hơn 654. 000 tỷ đồng cho ngân sách; trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được hơn 513. 000 tỷ đồng, gấp 13 lần so với giai đoạn 2000 - 2008. Đặc biệt từ năm 2012, đấu thầu trở thành kênh chủ đạo trong huy động vốn cho ngân sách qua phát hành trái phiếu; giá trị huy động qua đấu thầu tăng mạnh. Riêng năm 2013 đạt 194.000 tỷ đồng, đạt gần 18% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Trong cấu trúc tổng thể của thị trường tài chính thì thị trường TPCP vẫn chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn (14%) so với hai thành phần còn lại là cổ phiếu (18,6%) và hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng (67,8%). |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, nếu như năm 2009, quy mô của thị trường TPCP ở mức 17 tỷ USD thì đến cuối năm 2014 dự kiến đạt khoảng 43 tỷ USD. Thị trường trái phiếu đã tạo điều kiện cho Chính phủ huy động các nguồn lực để bù đắp thiếu hụt ngân sách, phục vụ đầu tư, phát triển các dự án quan trọng của nền kinh tế như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Trung bình hàng năm, bội chi ngân sách vào khoảng trên dưới 5%; trong đó đến 70 - 80% nguồn bù đắp thiếu hụt ngân sách được sử dụng là vay trong nước; trong đó chủ yếu là từ TPCP và trái phiếu kho bạc. Điều đó cho thấy đây là nguồn lực rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng, một điểm sáng dễ nhận thấy nữa từ thị trường TPCP là thanh khoản của thị trường trong những năm qua được cải thiện đáng kể. Tính đến nay, tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 0.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 và tương đương 18% GDP. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đã tăng gấp 7,5 lần trong vòng 5 năm qua, từ 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 2.734 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2014. Cũng theo ông Vũ Bằng, thị trường TPCP trong thời gian qua được tổ chức trên nguyên tắc cạnh tranh, công khai minh bạch, đã giúp hình thành mức lãi suất phát hành hợp lý, luôn thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng thương mại, vừa tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất và lạm phát.
Thu hút thêm nhà đầu tư
Thừa nhận những hạn chế của thị trường TPCP, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, các sản phẩm của thị trường hiện còn nghèo nàn, chưa đa dạng, chủ yếu là các công cụ trái phiếu có kỳ hạn, đáo hạn 1 lần, lãi suất trả hàng năm, các sản phẩm ngắn hạn dưới 5 năm. Bên cạnh đó, việc có tới 86% dư nợ của TPCP nắm giữ bởi các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại cũng là điểm đáng bàn. Các quỹ đầu tư, bảo hiểm tham gia thị trường này tích cực, song quy mô tài chính và năng lực đầu tư còn nhiều hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến tính bền vững, phát triển hiệu quả của TTTP.
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, Phó Chủ tịch Phạm Thanh Hà cũng nhận định, quy mô thị trường hiện vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng. Mặc dù công tác phát hành đã có nhiều cải tiến song sản phẩm TPCP vẫn còn đơn giản và chưa đa dạng về loại hình trái phiếu nói chung cũng như cấu trúc lãi suất phát hành nói riêng, kỳ hạn chủ yếu đến 5 năm. Các sản phẩm giao dịch phát sinh để phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá cho các nhà đầu tư đến nay cũng chưa có khung pháp lý để triển khai. Do vậy, thị trường sẽ tiềm ẩn rủi ro khi lãi suất có những biến động bất lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng nắm giữ tới 86% dư nợ TPCP là tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ ở mức 70%. Việc đa dạng hóa nhà đầu tư sở hữu TPCP sẽ giúp thị trường này phát triển hơn và không tạo ra nguồn vốn tập trung vào một nhóm đầu tư. Do đó, theo bà Hồng, cần tiếp tục đa dạng cơ sở các nhà đầu tư, cũng như các sản phẩm trên thị trường TPCP, đồng thời thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua cơ chế thuế, phí và công cụ phòng ngừa rủi ro.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của thị trường TPCP, theo ông Phạm Thanh Hà, Chính phủ cần tiếp tục nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng để từ đó củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, tăng thu hút vốn hơn nữa. Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch hóa thông tin về kế hoạch huy động vốn TPCP, kế hoạch sử dụng vốn TPCP của cơ quan quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP...
Đức Dũng