Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tăng cường giải pháp xây dựng văn hóa mua sắm và thói quen tiêu dùng sản phẩm Việt, yêu chuộng hàng Việt Nam chất lượng.
Bám sát 5 nhóm giải pháp trọng tâm
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 5 nhóm giải pháp của Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, gồm: Phát triển hệ thống phân phối; Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình Bình ổn thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử.; trong đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tập trung giải pháp vận động doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ...
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh cũng chú trọng vận động doanh nghiệp, nhà sản xuất nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam... Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng đến tiêu chí "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao", "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"...
Báo cáo kết quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đa số hệ thống phân phối lớn đều tham gia, liên kết với các doanh nghiệp trong Chương trình Bình ổn thị trường, cũng như tích cực tham gia, hưởng ứng tốt Chương trình hành động của Thành phố nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động. Riêng Chương trình Bình ổn thị trường năm 2021 - 2022, có 80 doanh nghiệp tham gia Chương trình với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, gắn với thực hiện Cuộc vận động.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã cam kết cho vay đối với 46 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2021 - 2022, dư nợ cho vay đạt 2.186,82 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn sản xuất, đầu tư. Ngoài ra, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2021, đã thực hiện hỗ trợ 29.471 khách hàng với số tiền 487.212 tỷ đồng bằng nhiều hình thức như kết nối theo chuyên đề (nông nghiệp, nông thôn); kết nối theo các quận, huyện; đăng ký và giải ngân gói tín dụng của ngân hàng thương mại...
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch trao đổi thông tin, xác định lợi thế của từng địa phương, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh... góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương. Cuộc vận động đã hỗ trợ tiêu thụ đa dạng mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tiếp sức doanh nghiệp ưu tiên hàng Việt
Trước bối cảnh năm 2022, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ở trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu nhiệm vụ cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước, mà còn là địa phương chịu tác động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động năm 2022 tập trung tổ chức tuyên truyền sâu rộng và trọng tâm lan tỏa đến từng địa phương, người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo cần phối hợp với các sở, ngành thành phố đề xuất cơ chế chính sách với những giải pháp đổi mới sáng tạo, phát triển chất lượng và thị trường cho hàng Việt.
Ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Tp. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gây gắt, Ban Chỉ đạo cần thúc đẩy tạo hành lang phát lý ổn định, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa hàng Việt chất lượng và tiêu chuẩn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước...
Còn theo bà Tô Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, trên cơ sở những tham luận và ý kiến đóng góp của các sở, ngành và doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Tp. Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục triển khai Cuộc vận động lan tỏa diện rộng và từng bước đi vào chiều sâu. Điển hình, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng...
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Tp. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của thành phố trưng bày, giới thiệu sản phẩm dịch vụ tại hội chợ, triển lãm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà phân phối đưa hàng hóa Việt về quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên...
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ đồng hành hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xác lập quyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại hàng Việt theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và có thành tích vượt khó, duy trì phát triển hàng Việt trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có thể kể đến các đơn vị như Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, Công ty cổ phần Tập đoàn Grove, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tân Quang Minh, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa...