Tiết kiệm điện đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Thông qua các cấp, các ngành, Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong cả nước triệt để tiết kiệm điện trong lĩnh vực sử dụng điện của mình. Hưởng ứng tinh thần trên, nhiều đơn vị, ngành sản xuất, địa phương đã rà soát lại quá trình sử dụng điện của mình, từ đó đã đưa ra nhiều chương trình tiết kiệm cụ thể, có hiệu quả.
Nhu cầu về điện vượt khả năng cung ứng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ước tính đến cuối năm 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của toàn hệ thống điện là 20.900 MW, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 85,4 tỷ kWh (trong đó các nguồn điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 14.600 MW, chiếm 70%). Tính chung giai đoạn 2006 – 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống là 10.400 MW (tăng 1,98 lần so với năm 2005). Tuy nhiên giai đoạn 2006 – 2010 cũng là thời điểm phụ tải tiếp tục tăng cao về sản lượng, với tốc độ tăng nhu cầu điện hàng năm là 13,7%, gấp 2 lần so với tăng trưởng GDP.
Nhu cầu sử dụng điện thì không ngừng tăng qua các năm, trong khi đó, quá trình xây dựng tạo ra nguồn cung ứng điện năng đáp ứng nhu cầu lại gặp nhiều khó khăn cả về khách quan và chủ quan. Đó là những diễn biến bất lợi về thời tiết trong nhiều năm qua, khiến cho lưu lượng nước về các hồ chứa phía Bắc trong các thời kỳ đầu mùa khô và cuối năm thấp hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến phát triển thủy điện, tình hình chậm tiến độ xây dựng các nguồn điện…
Tổng công ty Điện lực miền Nam đổi bóng đèn tiết kiệm điện cho các hộ dân nghèo khu vực ĐBSCL, góp phần thực hiện tốt chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Trong khi đó, nhu cầu điện phục vụ sản xuất, công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt lại không ngừng tăng theo cấp số nhân, đó là một loạt các ngành sản xuất như than, khoáng sản, công nghiệp tàu thủy, sản xuất thép, sản xuất xi măng, sản xuất hóa chất, các trung tâm thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên như nấm sau mưa…. Chỉ đơn cử nhu cầu điện phục vụ cho việc sản xuất thép, trong nhiều năm qua đã phát triển “quá nóng”, vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn. Trong khi trên thị trường thép cung đang vượt cầu thì tại nhiều nơi nhiều dự án thép với công suất rất lớn vẫn tiếp tục triển khai và chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Ý KIẾN
Ông Đỗ Cao Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và phát triển xi măng Ngay từ năm 1997, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã tiếp cận công nghệ tận dụng nhiệt khí thải lò quay để phát điện sử dụng trong nhà máy xi măng nhằm giảm bớt việc sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Nếu như tất cả các dây chuyền xi măng lò quay công nghệ khô của Việt Nam được trang bị hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải thì công suất tổng của các trạm phát điện khoảng 200 MW, phát ra lượng điện chiếm tới gần 20% lượng điện tiêu thụ từ lưới điện. Đây là con số khá lớn đối với một ngành công nghiệp có hiệu suất tiêu hao năng lượng lớn như ngành xi măng. Tận dụng được nguồn điện đó, bài toán năng lượng trong nhà máy xi măng sẽ được giải quyết đáng kể, không chỉ mang lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì lẽ đó, công nghệ tận dụng nhiệt khí thải phát điện đang được coi là biện pháp tiết kiệm điện năng đang được quan tâm trong ngành công nghiệp xi măng ở Việt Nam.
Bà Vũ Thị Tần, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Bình
Được sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương, trong 3 năm (2008 -2010), Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thực hiện đề án “Triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng thiết bị khí sinh học tiết kiệm năng lượng” thí điểm tại 11 xã. Tập trung vào một số hoạt động như: Tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, cách sử dụng, bảo dưỡng thiết bị khí sinh học… Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng được nâng lên. Kết quả, Ninh Bình đã có 1.400 hộ sử dụng thiết bị khí sinh học. 100% số hộ có công trình khí sinh học đã tiết kiệm được hoàn toàn chất đốt sinh hoạt và chăn nuôi. Tính trung bình 1 hộ mỗi tháng trước đây đun hết 7 kg gas, mỗi năm hết 84 kg. Vậy, 1.400 hộ sẽ tiết kiệm được 117.600 kg gas công nghiệp, 840.000 kWh thắp sáng. Mặc dù hiệu quả tiết kiệm năng lượng ở 11 xã của Ninh Bình còn nhỏ so với yêu cầu tiết kiệm năng lượng quốc gia, song việc ứng dụng công nghệ khí sinh học đem lại đa lợi ích, về năng lượng – kinh tế - xã hội – môi trường rất rõ nét, mang lại một diện mạo mới cho nông thôn, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Nếu được nhân rộng thì vấn đề tiết kiệm năng lượng không hề nhỏ. |
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến cuối tháng 3/2011, sản lượng thép của cả nước ước đạt 8,99 triệu tấn, trong khi đó tổng sản lượng thép tiêu thụ của cả nước năm 2010 chỉ khoảng 6,32 triệu tấn, tức cung vượt cầu hơn 3 triệu tấn/năm.
Cũng theo tính toán của ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, nếu chỉ tính riêng Nhà máy Thép Shengli (Thái Bình) công suất 600.000 tấn/năm phải cần đến lượng điện có công suất 300 MW để vận hành. Nếu so sánh với Nhà máy Thủy điện Trị An công suất 400 MW sẽ thấy ngành thép đang ngốn điện kinh khủng như thế nào. “Điều này làm phá vỡ quy hoạch điều tiết điện năng ở một số địa phương. Đơn cử như Bà Rịa – Vũng Tàu, trong vòng ba năm gần đây đã phải điều chỉnh đến bảy lần về quy hoạch điện”, ông Tước nói.
Ông Phạm Chí Cường cho biết, tùy theo công nghệ thiết bị sử dụng, trung bình các doanh nghiệp sản xuất thép tốn 500-700 kWh để tạo ra 1 tấn thép xây dựng thành phẩm, khoảng 275 kWh đối với doanh nghiệp sản xuất thép cán nguội. Vì vậy, dù công suất sản xuất thiết kế từ vài trăm ngàn tấn đến cả triệu tấn thép/năm, ngay cả khi chạy 60-70% công suất thiết kế, các doanh nghiệp thép cũng đã tiêu thụ một lượng điện không hề nhỏ chút nào.
Ngoài ra, việc thực hiện tiết kiệm điện tại các tòa nhà thương mại hầu như chưa được quan tâm, mặc dù quy chuẩn xây dựng các công trình hiệu quả năng lượng được ban hành từ năm 2005 nhưng chưa triển khai. Vì vậy trong quá trình thiết kế và xây dựng các tòa nhà còn chưa sử dụng và áp dụng các biện pháp và thiết bị tiết kiệm điện. Một vấn đề quan trọng không kém dẫn đến nhu cầu sử dụng điện vượt khả năng cung ứng là trong nhiều năm qua, chương trình vận động quảng bá cho các loại sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao lại không có biện pháp hạn chế, một số doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và tiêu thụ ở trong nước với số lượng lớn các loại đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10…
Người người tiết kiệm – nhà nhà tiết kiệm
Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, trong các năm 2006 – 2010, các tỉnh, thành phố đã tiết kiệm được 4.039 triệu kWh, bằng 127% so với kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng điện chủ yếu là cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất – kinh doanh và sinh hoạt dịch vụ…
Tại các địa phương, việc thực hiện tiết kiệm điện đã được các cơ quan chức năng chủ động phối hợp và đưa ra các kế hoạch cụ thể. Vào đầu các năm, Bộ Công Thương ra văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân đối và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương thực hiện Chương trình tiết kiệm điện. Bộ Công Thương cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động đối phó với tình hình thiếu điện và kịp thời đề ra các biện pháp tiết kiệm điện có hiệu quả trên địa bàn, xác định công tác tiết kiệm điện là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động.
Qua khảo sát, nhìn chung các tỉnh, thành phố đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền tiết kiệm điện cụ thể thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hình thức phong phú, các công ty điện lực địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kiểm tra, giám sát các hoạt động tiết kiệm điện cho các nhóm khách hàng. Vai trò các trung tâm tiết kiệm năng lượng của một số tỉnh, thành phố đã bước đầu phát huy tác dụng thông qua hoạt động tư vấn cho khách hàng về kiến thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức các lớp học bồi dưỡng huấn luyện kiến thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho một số đối tượng sử dụng điện
Vấn đề tiết kiệm điện tại các công sở cũng được đặt ra sát sao và nghiêm túc. Theo đó, các Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị điện lực địa phương thực hiện chặt chẽ việc sử dụng điện của các đơn vị đóng trên địa bàn, hàng tháng báo cáo UBND các cấp để có căn cứ kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo tiết kiệm ít nhất 10% điện năng sử dụng hàng năm của các đối tượng này. Nhìn chung, khối các cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách đều đã xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện 10%, tuy nhiên do chưa có các giải pháp, chế tài cụ thể để áp dụng nên còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kế hoạch tiết kiệm điện năng tiêu thụ theo quy định.
Chương trình tiết kiệm điện đặc biệt quan tâm tới giải pháp tiết kiệm của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong quá trình hoạt động. Theo đó, cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, tư vấn các ngành sản xuất công nghiệp như điện lực, than và khoáng sản, công nghiệp tàu thủy, thép, xi măng, hóa chất xây dựng các Chương trình tiết kiệm năng lượng ngắn hạn và trung hạn, thành lập mô hình thí điểm quản lý năng lượng và đào tạo cán bộ quản lý năng lượng tại đơn vị.
Riêng Chương trình chiếu sáng tiết kiệm, cơ quan chức năng đã hỗ trợ các nhà sản xuất nâng cao sản lượng đèn compact nhằm từng bước thay thế đèn sợi đốt; phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact giai đoạn 2007 – 2010. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2009 các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ tại thị trường nội địa hơn 35,3 triệu bóng đèn compact các loại.
Thành Hiển - Mai Phương