Cam kết cung ứng đủ cát
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các địa phương ở Cần Thơ, đại diện các tỉnh cam kết cung ứng đủ cát đồng thời phối hợp giám sát chặt chẽ để lượng cát đảm bảo tới được công trình.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ cũng như Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sắp tới đây sẽ có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cùng thẩm định trữ lượng, giám sát nguồn cát cung cấp cho các dự án cao tốc, không để thất thoát ra ngoài.
“An Giang sẽ cung cấp đủ 7,5 triệu m3 cát cho Cần Thơ và Hậu Giang. Chúng tôi sẽ ngồi lại cam kết với nhau và An Giang sẽ tiến hành giám sát, nếu đo đạc 7,5 triệu m3 này hết thì sẽ dừng còn nếu trữ lượng vẫn còn mà hai địa phương có nhu cầu thì chúng ta sẽ bàn tiếp” ông Bình nói.
Đối với nguồn cát thiếu hụt do các mỏ bị thu hồi giấy phép, đang vướng điều tra, thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh đã nhờ Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn để phục hồi giấy phép đối với 6 mỏ trên để khai thác phục vụ cho các dự án đường cao tốc. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, sự việc vừa qua tại An Giang là việc cung cấp cát cho các công trình ngoài tỉnh mà không có sự phối hợp giữa các địa phương, không có phối hợp với chủ đầu tư. Đây là bài học cho địa phương trong việc quản lý tài nguyên quốc gia.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cam kết tỉnh đã có đủ sản lượng để cung ứng vì Đồng Tháp đã có đánh giá thường xuyên và sản lượng đó đáp ứng đủ nhu cầu trong quy hoạch năm nay.
Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ băn khoăn khi đề cập đến câu chuyện khai thác cát để đáp ứng nhu cầu các dự án. Bởi lẽ, quy trình trước đây là đấu thầu để chọn ra đơn vị đủ năng lực được quyền khai thác, trong khi hiện tại phương thức áp dụng lại là giao trực tiếp cho nhà thầu. “Thế nhưng, hiện tại nhà thầu phải nhờ sự hỗ trợ từ địa phương thông qua doanh nghiệp có kinh nghiệm để khai thác cát phục vụ cho dự án”, ông Nghĩa cho biết.
Đối với các vướng mắc làm chậm trễ trong cấp phép nâng 50% công suất mỏ đang khai thác; gia hạn mỏ đã hết thời hạn khai thác; không giao được các mỏ mới dù đã cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; quản lý khai thác, sử dụng, điều phối nguồn vật liệu san lấp theo hướng ưu tiên tiến độ các dự án…, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng nguyên nhân chậm trễ trong việc cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ có trách nhiệm của địa phương, các bộ, ngành và cả nhà thầu khi triển khai việc rút ngắn quy trình giao trực tiếp mỏ.
"Đồng Tháp cam kết đến ngày 20/9 sẽ hoàn thành cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu để bảo đảm đủ nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời điều phối đủ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn", ông Phạm Thiện Nghĩa nói và cho biết thêm việc tăng sản lượng khai thác lên 50% không phải là vấn đề quá lớn vì trữ lượng các mỏ cát đã được quy hoạch từ năm 2020.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết vướng mắc lớn nhất trong cơ chế giao mỏ cho nhà thầu là khả năng, kinh nghiệm khai thác, để không ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở. Người đứng đầu chính quyền An Giang đề xuất nhà thầu, địa phương cần ngồi lại để có cơ chế phối hợp với địa phương để lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong khai thác mỏ.
Các địa phương cũng băn khoăn về việc thông qua doanh nghiệp khai thác cát rồi giao cho nhà thầu để cung cấp cho các dự án cao tốc có sai so với chỉ đạo của Trung ương hay không và đề nghị Chính phủ có chỉ đạo để sớm tháo gỡ.
Kết hợp nhiều giải pháp
Về giải pháp trong khi cát sông đang khan hiếm, một chủ doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng ở thành phố Cần Thơ đề xuất hiện nguồn cát biển đang rất dồi dào, sau khi sàng rửa, làm sạch đạt tiêu chuẩn cho phép hoàn toàn đáp ứng nhu cầu san lấp nền, xây dựng. Với công nghệ hiện tại, hiện chi phí sản xuất mỗi m3 cát biển chưa tới 10.000 đồng. Giải pháp thứ hai là xây đường bằng giải pháp cầu cạn trên cao tại miền Tây, sử dụng lượng cát ít hơn gần 10 lần so làm đường trên mặt đất. Với giải pháp này, chi phí có thể cao hơn nhưng bù lại thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác sớm hơn, chất lượng cao hơn, mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội nhiều hơn.
Đối với phương án làm cầu cạn, Tiến sĩ Trần Bá Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, thành viên Viện Bê tông Hoa Kỳ phân tích, 1 km đường đắp chiều cao đắp hơn 3 m, có hầm chui dân sinh tại vùng đất yếu cho 4 làn xe, mặt cắt ngang 17,5 m có tổng chi phí 248 tỷ đồng.
Trong khi đó, phương án cầu cạn nhịp lớn bằng dầm bê tông cường độ siêu cao (UHPC), không cần hầm chui dân sinh là khoảng 272 tỷ đồng/km. Nếu thiết kế phù hợp, với giải pháp khoảng 70% chiều dài tuyến là đường đắp chiều cao đắp nhỏ hơn 3 m, còn 30% là cầu cạn UHPC thì suất đầu tư trung bình khoảng 250 tỷ đồng/km, chỉ tương đương với suất đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Theo ông Việt, phương án sử dụng cầu cạn kết hợp đường đắp cho phép suất đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong suất đầu tư của một số dự án đã hoàn thành, có tính thực tế, có thể áp dụng ngay vì lợi ích lâu dài, đảm bảo bền vững cho hệ thống cao tốc và phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long…
Thách thức lớn nhất của giải pháp cầu cạn cao tốc thay vì đắp nền là chi phí đầu tư xây dựng rất cao, trong khi nguồn lực còn khá hạn chế. Theo một số ý kiến chuyên gia, phương án xây dựng cao tốc trên cầu cạn ưu việt hơn so với xây dựng cao tốc trên nền đất yếu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sẽ gặp thách thức về kinh phí, suất đầu tư trung bình khoảng 250 tỷ đồng/km. Với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi việc đầu tư phải tính toán cả bài toán kỹ thuật và kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vật liệu san lấp đang là vấn đề khó nhưng có thể giải quyết. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, các nhà thầu rà soát lại tiến độ cung cấp cát cho các dự án thật chắc chắn, gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều phối, phân bổ nguồn vật liệu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các nhà thầu phải chịu trách nhiệm, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh lại và đưa ra nhu cầu cung cấp thật đúng. Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ theo tính toán, đánh giá của các địa phương để phân bổ theo tiến độ. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu làm không tốt thì có thể khai thác một lúc không bao giờ đủ nhưng nếu chia tiến độ này ra một cách khoa học thì luôn đáp ứng đủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác mỏ; nhà thầu nhận mỏ có thể hợp tác doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm khai thác và chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc sử dụng nguồn vật liệu được khai thác đúng mục đích. Tiến hành xem xét phương án sử dụng nguồn vật liệu san lấp từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch phục vụ cho dự án cao tốc trên cơ sở đánh giá tác động môi trường kỹ càng.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thành lập tổ liên ngành để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách, tình trạng pháp lý, trình tự thủ tục thực hiện khai thác cát theo từng giai đoạn, bảo đảm đủ nguồn cát xây dựng cao tốc theo tiến độ được duyệt.
Phó Thủ tướng cho rằng, khó khăn mà các dự án đang gặp phải là có thể giải quyết và các giải pháp đang triển khai là đúng hướng, lãnh đạo các địa phương cần quyết liệt bởi đây là trách nhiệm của mình, chỉ cần nắm chắc vấn đề là có thể giải quyết được.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới sẽ được giải quyết, giúp các công trình có thể hoàn thành như mục tiêu đã đề ra, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân về một hạ tầng giao thông hoàn thiện, đồng bộ để Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh” trong tương lai.