Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 của ngành công thương diễn ra ở Hà Nội ngày 7/1, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương thành tích của ngành công thương năm 2010.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Ngành công thương phải khắc phục những hạn chế hiện nay như sức cạnh tranh còn yếu và giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành công thương phải sớm có giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm chủ thị trường trong nước.
Năm 2010: Tăng trưởng khá
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, 2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 và cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước.
Tuy nhiên, ngành công thương phải đối mặt với không ít khó khăn như: Kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự ổn định, khả năng tái lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, nhập siêu còn lớn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp…
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của toàn dân và doanh nghiệp, nên nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng GDP năm 2010 ước đạt 6,7%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% (riêng công nghiệp tăng khoảng 6,9%).
Đến cuối năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 41,1% (trong đó riêng công nghiệp chiếm 34,2%). Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14% so với năm 2009.
2010 cũng là năm thị trường trong nước có những bước phát triển khá nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua cuộc vận động như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình khuyến mại, giảm giá của doanh nghiệp phân phối, các đợt tổ chức hội chợ, triển lãm, thực hiện các đề án hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn để mở các điểm bán hàng ổn định giá...
Thị trường miền núi, hải đảo được bảo đảm cung cấp đầy đủ các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa... Nhờ đó, cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu được bảo đảm, một số biểu hiện “sốt hàng” đã kịp thời được can thiệp nên thị trường đã bình ổn nhanh trở lại.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Quyết tâm thực thi giải pháp năm 2011
Theo Bộ Công Thương, năm 2011 và giai đoạn tới, dự báo nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp một số khó khăn. Để góp phần đạt nhịp độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2011 đề ra từ 7 - 7,5%.
Ngành công thương phấn đấu đạt: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,8%; giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 7,1 - 8% so với thực hiện năm 2010. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 10%.
Nhập khẩu hàng hóa tăng 10,7% so với 2010, nhập siêu dự kiến chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng khoảng 25% so với 2010, hàng hóa, dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ áp dụng các biện pháp để tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn; chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, than theo cơ chế thị trường, theo sự chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực ngành công thương, của từng doanh nghiệp trong ngành, theo hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn.
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Có hai thách thức lớn cần được tháo gỡ là cơ cấu kinh tế còn chưa vững và tính hiệu quả của nền kinh tế nội địa chưa tốt. Do vậy, giai đoạn hội nhập quốc tế vừa phải cạnh tranh trên sân nhà và sân khách thì bộc lộ sức cạnh tranh còn hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng, nếu nhìn nhận về sản xuất, kinh doanh có thể nói năm sau cao hơn năm trước, nhưng về chất lượng thì còn nhiều điểm đáng bàn. Như sản xuất điện vẫn còn yếu, xăng dầu vẫn phải nhập chưa sản xuất đủ trong nước, an ninh năng lượng là vấn đề nóng.
Phân bón, thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật cũng còn thiếu; công nghiệp máy móc, thiết bị, cơ khí vẫn cơ bản phải nhập khẩu từ máy xây dựng tới máy móc khai khoáng, kể cả một số ngành đã nội địa hóa nhưng vẫn rất ít. Các sản phẩm hóa chất phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, loại cơ bản, vẫn phải nhập khẩu. Ngành dệt may phát triển như vậy mà cũng phải nhập nhiều máy móc...
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành công thương phải có giải pháp hiệu quả, hành động ngay từ đầu năm để làm chủ thị trường nội địa, đồng thời tận dụng lợi thế để mở rộng thị trường quốc tế để chủ động xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và nhập khẩu hợp lý nhiên liệu, công nghệ mới. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần làm tốt chức năng quản lý nhà nước, xây dựng hành lang pháp lý cho ngành chuyển dịch cơ cấu theo nền kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước...
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương đang quản lý 5/10 tập đoàn lớn nhất của đất nước: Điện, than, dầu khí, dệt may và hóa chất cùng các tổng công ty là những anh “cả đỏ” nên phải tính tới cơ cấu sản xuất và đầu tư của các đơn vị này. Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại danh mục đầu tư để cơ cấu lại danh mục đầu tư hợp lý theo hướng đảm bảo chất lượng...
Chiếm lĩnh thị trường nội địa Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - ông Vũ Đức Giang: Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục xây dựng hệ thống cửa hàng, siêu thị tại hầu hết các tỉnh, thành (hiện có 58 siêu thị) để chiếm lĩnh thị trường nội địa, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam. Đối với chiến lược sản xuất các sản phẩm cao cấp, Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất veston ở miền Bắc và miền Trung để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đầu tư công nghệ, tăng năng suất lao động; đồng thời chăm lo đời sống cho người lao động, không thực hiện làm thêm giờ, giãn ca trong thời gian tới. Để mở rộng thị trường cho ngành dệt may, tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường cho ngành dệt may; ưu tiên cấp điện ổn định cho ngành dệt may vì mất điện đột ngột gây thiệt hại rất lớn. Để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu, ngành Hải quan cần tiếp tục triển khai hải quan điện tử toàn diện để rút ngắn thời gian thông quan. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phối hợp thực hiện tốt Quyết định 336/QĐ- TTg về phát triển ngành dệt may và Quyết định 86/QĐ-TTg về việc di chuyển các nhà máy ra ngoại thành. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm dệt may Việt Nam.
Cần thực hiện "kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường" hơn nữa Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): 2010 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP theo cơ chế thị trường. Đây cũng là năm giá cả thay đổi ít nhất, chỉ điều chỉnh giá 4 lần (2 lần tăng, 2 lần giảm). Nhưng việc không được điều chỉnh giá theo thị trường chính là yếu tố mà ngành không thể thực hiện theo Nghị định 84, nhất là việc thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Hiện nay, kinh doanh xăng, dầu lỗ khoảng 2.400 đồng/lít. Vì thế tôi cho rằng, nếu không áp dụng triệt để kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường thì áp lực bù lỗ cho xăng dầu rất lớn, vì quỹ bình ổn không thể đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng để bù cho lỗ kinh doanh xăng dầu, và có thể gây hiện tượng khan ảo nguồn cung như năm 2008. Vì các đầu mối không nhập nên áp lực đổ dồn cho Petrolimex. Tôi cho rằng: Nhà nước và Chính phủ nên kiên định thực hiện Nghị định 84, vận hành kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường; có hướng dẫn và cơ chế sử dụng quỹ bình ổn, không để xảy ra việc dùng quỹ bình ổn để bù lỗ như hiện nay, bởi vì việc sử dụng quỹ bình ổn như hiện nay ngày càng xa mục đích như Nghị định 84 đặt ra...
Giá xăng vẫn giữ ổn định đến hết Tết Nguyên đán Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa: Giá xăng dầu thế giới đang tăng cao khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước bị lỗ là có thật. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm giữ ổn định giá đến hết Tết Nguyên đán. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp tài chính, bao gồm thuế, quỹ bình ổn để giảm tối đa nguy cơ tăng giá bán lẻ trong nước. Bộ Tài chính vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến để có hướng xử lý phù hợp. Ngoài xăng dầu, từ nay đến hết Tết Nguyên đán, một số mặt hàng nhạy cảm khác như điện, than, cước vận chuyển, thép xây dựng, sữa... cũng sẽ giữ ổn định giá bán. Đối với mặt hàng thép xây dựng và sữa, Bộ Tài chính đang tiến hành kiểm tra chi phí đầu vào, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải tiếp tục niêm yết giá công khai và đăng ký biểu giá với cơ quan quản lý. Tháo gỡ khó khăn cho ngành điện Ông Đặng Hoàng An- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Dự báo, năm 2011 khô hạn vẫn diễn ra trên diện rộng, đây là khó khăn cơ bản của ngành điện. Đến giờ này đã hết mùa tích nước, nhiều hồ lớn không tích đủ nước. Đây là năm lượng nước ở các sông thấp nhất. EVN đang tập trung các giải pháp trong năm 2011: Đẩy nhanh các dự án điện; các dự án nhiệt điện than cũng sẽ được trưng dụng các tổ máy; bố trí lại lịch sửa chữa, đảm bảo nhập khẩu điện một cách tối đa; huy động tối đa các nguồn điện giá cao như than, dầu... EVN cũng đang tăng cường chiến dịch tuyên truyền tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, đặc biệt là ở một số ngành lớn như thép, xi măng. EVN sẽ phấn đấu tối đa đảm bảo đủ điện, trước mắt là tháng 1 và quý I/2011 sẽ đảm bảo đủ điện cho Tết và các ngày lễ, đại hội; đảm bảo xả nước cho nông nghiệp. Tuy nhiên, việc cân đối điện chỉ có thể đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu. |
Thanh Hương - Minh Phương