Thời gian qua, việc bán thành công nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có tình hình tài chính khó khăn đã tránh được việc giải thể, phá sản DN, bán phát mại tài sản của Nhà nước… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn băn khoăn liệu phương án chuyển giao doanh nghiệp, dự án; đa dạng hóa sở hữu, bán DN có phải là giải pháp tối ưu trong quá trình tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước?
Những bất cập trong chuyển đổi DN
Theo báo cáo nghiên cứu về cơ chế bán, chuyển giao doanh nghiệp, dự án trong tái cơ cấu DNNN của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa được hoàn tất vào cuối tháng 10/2013, qua hơn 20 năm thực hiện với nhiều biện pháp sắp xếp, đổi mới khác nhau được áp dụng, cải cách khu vực DNNN đã thu được nhiều kết quả khả quan. Số lượng DNNN đã giảm đáng kể, đặc biệt là DN 100% vốn Nhà nước, từ con số trên 12.000 DN vào cuối những năm 1980 xuống còn 1.284 DN vào tháng 4/2013.
Từ chỗ hiện diện, chi phối ở mọi ngành, lĩnh vực, DNNN đã được điều chỉnh hợp lý hơn, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng. Ngoài hình thức tổ chức lại, cổ phần hóa, giải thể, phá sản, hình thức bán DNNN cũng được áp dụng từ năm 1999. Đến nay, đã có 158 DN và bộ phận DN được bán. Tuy số lượng DN không nhiều nhưng việc áp dụng giải pháp bán đã có nhiều tác động tích cực, tránh giải thể, phá sản nhiều DN và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, số lượng DNNN bán ngày càng giảm. Nguyên nhân một phần là do số lượng thuộc diện bán đã giảm đáng kể và khung pháp luật còn một số vướng mắc gây khó khăn cho các DN. Bên cạnh đó, khó khăn nhận chuyển giao DNNN là không hề nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, hầu hết DN chuyển giao mất cân đối nghiêm trọng về tài chính, khó khăn trong thực hiện các khoản phải thu, phải trả… Tại thời điểm chuyển giao, không ít DN có nhiều dự án dở dang và chậm tiến độ. Ngoài ra, việc xác định giá trị các dự án dở dang cũng gặp nhiều khó khăn.
Nguyên tắc của việc chuyển giao là nguyên trạng và cùng ngành nghề nên ngoài việc tiếp nhận toàn bộ tài sản, nguồn lực, các đơn vị tiếp nhận còn gánh cả khoản nợ nần, thua lỗ của các công ty được chuyển giao.
Nhìn góc độ nghiên cứu, như với trường hợp EVN Telecom, sau khi tiếp nhận chuyển giao, Viettel đã phải xử lý rất nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề về nợ và nhân sự. Đồng thời giải quyết các hợp đồng cũ với các đối tác, nhất là các đối tác tham gia chương trình xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm phát sóng (BTS) cho EVN thuê lại. Riêng việc xử lý khối tài sản EVN Telecom đã đầu tư nhưng Viettel không có nhu cầu sử dụng cũng là vấn đề được đặt ra...
Đối với trường hợp khác như nhiều khoản nợ của các DN, dự án cũ chuyển từ Vinashin sang cho các DN rất lớn nhưng hồ sơ không đầy đủ. Hầu hết các hạng mục công trình xây dựng và cơ sở thiết bị chuyển từ Vinashin còn dở dang nên chưa thể phát huy vào sản xuất, thậm chí có những dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến khó khăn trong thanh quyết toán.
Ông Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập còn lo ngại đến khả năng phát tán “mầm bệnh” của DN chuyển giao nếu DN này quá yếu kém.
Đi tìm giải pháp
Theo định hướng đổi mới, sắp xếp DNNN trong thời gian tới, việc chuyển giao doanh nghiệp, dự án; đa dạng hóa sở hữu, bán DN vẫn được coi là những giải pháp quan trọng, cần thiết trong quá trình tái cơ cấu DNNN.
Tuy nhiên, TS Trần Tiến Cường khuyến nghị chỉ nên xem xét áp dụng chuyển giao doanh nghiệp, chuyển giao dự án như là biện pháp đặc biệt, ngoại lệ, trong những bối cảnh đặc biệt. Bởi vì biện pháp này nếu được áp dụng có tính quy phạm thì nó có thể tạo ra một thói quen cho việc lặp lại các sai lầm do đầu tư ngoài ngành, đầu tư tràn lan và nhiều sai lầm khác, rồi tìm cách chuyển giao doanh nghiệp, chuyển giao dự án để xử lý và khắc phục.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc chuyển giao doanh nghiệp, dự án giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang thiếu quy trình, thủ tục thống nhất để triển khai thực hiện. Do đó, việc chuyển giao nguyên trạng là chủ yếu, với đối tượng chuyển giao hầu hết là những doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, những dự án dở dang.
Còn theo CIEM, chuyển giao DN, dự án giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù liên quan đến bí mật ngành, bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Đối với các trường hợp khác nên tiếp cận theo hướng chuyển nhượng dự án hoặc bán công khai để đảm bảo được các nguyên tắc thị trường…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà từng nhiều lần đề xuất không nên chuyển giao các DN yếu kém sang các tập đoàn khác. Việc chuyển giao DN như thế không được coi là tái cơ cấu DNNN, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Với doanh nghiệp thực sự không có khả năng phục hồi, hoặc lâm vào tình trạng phá sản, CIEM đề cập đến giải pháp nên thực hiện giải thể hoặc phá sản theo đúng tinh thần của Quyết định 929/2012/QĐ - TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế giai đoạn 2011-2015, không nên chuyển giao cho DNNN khác phải gánh những khó khăn, bất cập, có thể ảnh hưởng lớn tới cả DN nhận chuyển giao.
Thúy Hiền
Bài 4: Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước