Thưa ông, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri. Đánh giá của ông về báo cáo này như thế nào?
Có rất nhiều điểm mừng khi nghe báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội. Mừng vì kinh tế - xã hội năm 2015 có nhiều chuyển biến, 13/14 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức, chỉ có 1 chỉ tiêu không hoàn thành là chỉ tiêu che phủ rừng.
Tình hình chính trị ổn định, các mặt khác như an sinh xã hội cũng tốt hơn rất nhiều, đời sống nhân dân chuyển biến tích cực hơn. Thị trường tiền tệ ổn định, trước đây lãi suất ngân hàng cao, thị trường vàng biến động, người dân hay đổ xô đi mua vàng dự trữ nhưng từ 2015 đã kiểm soát được, nợ xấu ngân hàng cũng đã giảm... Lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều, nếu so với 2011, lãi suất cho vay hiện nay giảm tới 40%. Tín dụng cũng có sự tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu đặt ra, đặc biệt là kiềm chế được lạm phát. Có thời kỳ lạm phát lên tới 18-20%, sau khi Quốc hội đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% vào 2015 thì đến nay lạm phát đã trong tầm kiểm soát.
Ông Nguyễn Việt Chiến, cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội): Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu Quốc hội cần làm sáng tỏ những vấn đề nhân dân quan tâm, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy quyền… làm ảnh hưởng đến uy tín, sự lãnh đạo của Đảng và xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, gây ảnh hưởng lớn đến công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Các giải pháp đã có nhưng chưa đủ mạnh, vẫn thiếu chế tài ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội vẫn chưa tác động sâu sắc đời sống nhân dân. Ở khu vực nông thôn, giá nông sản tăng chậm hơn giá các loại dịch vụ, nhiều loại nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Mức lương tối thiểu của cán bộ, công nhân tăng chậm hơn nhiều so với giá tiêu dùng, nhất là giá điện, nước, dịch vụ…
Bà Trần Thị Mỹ, cán bộ Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội: Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội Hiện nay, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 48%, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, tay nghề, năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập thấp, đời sống một bộ phận nông dân rất khó khăn. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn khoảng 40%, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 65%, Chính phủ cần quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trường nghề để đào tạo theo địa chỉ, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ, từng vùng nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động và thực thi có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường để bảo vệ người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Tiến Hiếu |
Tôi cũng rất mừng trong báo cũng đánh giá rõ những mặt làm được cũng như chưa làm được, chỉ tiêu nào hoàn thành cũng được đề cập và chỉ tiêu nào không hoàn thành cũng đưa ra thảo luận. Chúng ta đã rút ra được ra những bài học thành công và cũng nhìn nhận được những hạn chế, yếu kém và đưa ra nhận định, dự báo thời cơ, thách thức trong thời gian tới. Từ đó, trong báo cáo của Chính phủ nêu 8 giải pháp, đưa ra những mục tiêu chiến lược cho năm 2016 cũng như 5 năm tiếp theo. Trong đó, chỉ tiêu 5 năm tới tăng trưởng kinh tế từ 6,5-6,7%/năm, riêng năm 2016 thì GDP đặt mục tiêu là 6,7%.
Bức tranh kinh tế 2015 có nhiều chuyển biến, tuy nhiên trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ nền kinh tế phát triển chưa bền vững, nợ công tăng nhanh, cân đối ngân sách khó khăn... Ông nhận định thế nào khi Chính phủ dự kiến năm 2016 GDP sẽ đạt 6,7%?
Những bước đi của chúng ta đều có lộ trình. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nền kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn. Mục tiêu của chúng ta khi đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và chúng ta đã thực hiện đúng Nghị quyết và đảm bảo mục tiêu đặt ra. Lạm phát đã kiềm chế được rồi thì chúng ta phải tính đến yếu tố tăng trưởng, phát triển.
Thời gian qua chúng ta đã làm được nhiều việc để chuẩn bị cho các mục tiêu sắp tới. Một loạt các dự án, khu công nghiệp, những định hướng về phát triển công nghiệp, nông nghiệp nông thôn ra đời; công tác đối ngoại, hợp tác với các quốc gia, châu lục... được đẩy mạnh. Thực tế, chúng ta đã thu hút được đầu tư nước ngoài với số vốn lớn, có nhiều dự án công nghệ cao, nhiều thị trường xuất khẩu tốt như Hoa Kỳ, EU,...
Chúng ta cũng đã sửa đổi một loạt các dự luật có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc thúc đẩy người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế, Luật hải quan, Luật khoa học công nghệ... Các dự luật này là động lực cho phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng ra cũng đưa ra nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn để làm tăng năng suất lao động; quan tâm đến giáo dục, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực...
Tất cả những yếu tố đó tạo nền tảng cho chúng ta xây dựng các mục tiêu của năm 2016. Những chỉ tiêu Chính phủ đặt ra và trình Quốc hội, tôi tin tưởng có thể đạt được và có căn cứ, có cơ sở.
Nhưng để đạt được những chỉ tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn với những bước đi cụ thể. Là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là doanh nhân, ông “hiến kế” thế nào để cùng các đại biểu khác đóng góp ý kiến tốt nhất thực hiện các chỉ tiêu của năm tới?
Để đạt được những mục tiêu đặt ra cần sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt cần quan tâm đến hai điều. Một là sự phấn đấu nỗ lực của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta cũng phải ý thức rằng thời cơ chúng ta có rất nhiều nhất là khi chúng ta hội nhập quốc tế, tham gia sân chơi chung của toàn cầu, tham gia hiệp định lớn tới đây như TPP-hiệp định thế hệ mới chưa từng có. Hiệp định này là cộng đồng kinh tế chiếm tới 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu, trong đó có nhiều quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Các doanh nghiệp cũng như nhân dân cần nâng cao sự hiểu biết của mình lên, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình làm ra. Mô hình quản trị của các doanh nghiệp phải được thay đổi, hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hơn. Chúng ta phải tập trung để có chất lượng sản phẩm tốt nhất và có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài; mà trước hết phải thành công ngay trên sân nhà. Đặc biệt, phải quan đầu tư, nâng cao thiết bị công nghệ, khoa học kỹ thuật; khả năng quản lý, quản trị, hiểu biết luật pháp quốc tế.
Thứ hai, tôi cũng mong muốn bên cạnh sự nỗ lực của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, thì rất cần sự hậu thuẫn từ Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Hậu thuẫn ở đây là phải đưa ra những cơ chế, chính sách tốt; có những con người giỏi điều hành đất nước, điều hành nền kinh tế. Phải có những chủ trương, chính sách thông thoáng, đồng bộ các dự án luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế.
Xin cảm ơn ông!