Khí hậu vùng Bắc Trung Bộ không lý tưởng cho việc trồng cây cao su. Tuy nhiên, do chưa tìm được loại cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao bằng loại cây trồng này nên người dân nơi đây vẫn trồng cao su như một cách “đánh cược” với sự khắc nghiệt của thời tiết.
10.000 cây bị bão đánh gục
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc trồng cao su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là có quy hoạch theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, khu vực này có khoảng 80.000 ha. Tuy nhiên, hiện các tỉnh trồng vượt quy hoạch, đưa tổng diện tích cao su toàn vùng lên tới 80.500 ha. Đặc biệt, cao su tiểu điền phát triển vượt kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ 2009-2011, khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn).
Bộ đội Sư đoàn 9 giúp người dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị chống lại vườn cây cao su bị nghiêng đổ do bão số 10. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Thực tế, cây cao su đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, thậm chí là làm giàu. Tuy nhiên, cái giá mà họ “đặt cược” khi trồng cao su tại vùng đất thường xuyên phải hứng chịu mưa bão, gió Lào, khô hạn không hề rẻ. Sau hai cơn bão số 10 và 11, toàn vùng Bắc Trung Bộ có hơn 10.000 ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn không thể phục hồi. Riêng cơn bão số 10 đã ảnh hưởng tới 22.000 ha cao su của 5 tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên- Huế (trong đó có một phần bị thiệt hại hoàn toàn và một phần có thể phục hồi). Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lý giải: “Cơn bão số 10 là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua. Gió cấp 10, 11, có lúc giật cấp 13, 14 bao phủ toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Bình và một phần tỉnh Quảng Trị, chứ không chỉ ở vùng ven biển. Khi rà soát lại diện tích trồng cao su, chúng tôi thấy có nơi trồng quá gần biển, trồng bằng những giống cho năng suất cao nhưng cây cao, dễ gãy đổ”.
Với hơn 70.000 ha cao su còn lại, nhiều địa phương đã có các phương án để chăm sóc, bảo vệ như vun lại gốc những cây bật rễ, cưa cành gãy, bôi thuốc để ra mầm mới. Nhiều tỉnh đã chủ động hỗ trợ bà con tiền mua máy cưa, mua thuốc, hỗ trợ nhân công và tiêu thụ gỗ cao su. Bên cạnh đó, để đối phó các cơn bão sắp tới, các địa phương đã lên phương án bảo vệ như chằng chống cây ở vùng có nguy cơ bão lớn, điều chỉnh lại mật độ thâm canh...
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, chủ trương trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh là đúng đắn. Chủ trương này đã khai thác được tiềm năng lợi thế, hình thành vùng chuyên canh gắn với công nghệp chế biến và thị trường, góp phần xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, để đảm bảo cho cây cao su phát triển bền vững, Quảng Trị đang rà soát lại quy hoạch chi tiết các vùng trồng cao su, không mở rộng thêm diện tích trồng cao su ở vùng ven biển. Đồng thời, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ khi người dân chuyển đổi một số diện tích bị thiệt hại trên 70% do ảnh hưởng của cơn bão sang trồng hồ tiêu, sắn, khoai, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng. Mặt khác, việc tăng cường trồng và bảo vệ các vành đai rừng chắn gió cho các vườn cao su và vành đai rừng phòng hộ ven biển cũng sẽ được tính đến.
Nghiên cứu giống phù hợp
Sau khi người dân trồng cao su bị thiệt hại nặng sau bão, Cục Trồng trọt đã đặt vấn đề có nên tiếp tục trồng cao su hay trồng loại cây trồng khác. Nếu không trồng cao su thì chọn cây trồng nào thay thế cho phù hợp? Tuy nhiên, tại thời điểm này, ngành nông nghiệp chưa đưa ra được loại cây trồng nào (có hiệu quả kinh tế tương tự) có thể thay thế được cây cao su cho vùng đất này. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trước mắt, trong điều kiện biến đổi khí hậu với tần suất và cường độ gió bão tăng lên, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại toàn bộ diện tích trồng cao su ở khu vực này, sau đó sẽ khuyến cáo người dân nên trồng ở vùng nào và hạn chế trồng ở vùng nào để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt khuyến cáo, bà con nên tận thu mủ và chặt lấy gỗ để bán trước khi cây chết hoàn hoàn. Sau đó, có thể xem xét trồng một vụ cây ngắn ngày như ngô, khoai lang, rau... để cứu vãn tình thế. Cục cũng đề xuất với lãnh đạo Bộ và Chính phủ trợ cấp thóc giống, hạt giống cây trồng cho người dân và kinh phí khôi phục lại hệ thống thủy lợi cho các vùng chịu tác động mạnh của cơn bão số 10, số 11. Về việc trồng lại cao su, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sẽ tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định. Các địa phương cần cụ thể hóa khu vực nào nên trồng lại, áp dụng biện pháp kỹ thuật mới nào để giảm thiểu rủi ro do bão lớn có thể xảy ra; khu vực nào nên chuyển sang trồng loại cây trồng khác. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ thống nhất quan điểm về phát triển cao su tại khu vực này. Về lâu dài, Bộ sẽ nghiên cứu chiến lược phát triển giống cây cao su phù hợp với điều kiện khí hậu Bắc Trung Bộ như: chọn giống chịu gió bão tốt, tạo hình cây thấp, tỉa cành và dùng cọc chống đỡ cho cây trước mùa mưa bão…
Trần Tĩnh- Huyền Tím