Theo báo cáo tại hội nghị, số liệu năm 2023, tổng diện tích có rừng vùng Tây Nguyên là 2.585.700 ha; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 81%, rừng trồng chiếm 19%. Tỷ lệ che phủ rừng vùng Tây Nguyên đạt 46,34%, Kon Tum 63,69%, Lâm Đồng 54,37%, Gia Lai 40,95%, Đắk Nông 39,07% và Đắk Lắk ,04%.
Ngày 17/5/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 226/TB-VPCP kết luận của Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên trong năm 2024 - 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh, lần kiểm kê rừng gần nhất tại các tỉnh vùng Tây Nguyên đến nay đã 10 năm. Qua các năm, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng việc quy hoạch sử dụng đất đai và bảo vệ rừng lại phải chịu áp lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm qua, dữ liệu về rừng và đất chưa có rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên có nhiều biến động, đặc biệt tập trung ở những diện tích chưa có chủ quản lý, diện tích đã giao cho các chủ rừng như hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức kinh tế tư nhân.
Vì vậy, việc tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng hiện nay là rất cần thiết, làm cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng 4.0 đã mang lại nhiều công cụ, ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ trong lâm nghiệp như các nguồn ảnh vệ tinh, các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy bay không người lái… sẽ được áp dụng trong thực hiện lần này để khắc phục những tồn tại, hạn chế khi điều tra, kiểm kê rừng ở thời điểm 10 năm trước. Từ đó xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng theo chủ quản lý và hiện trạng, diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản lý, diện tích rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do, nhằm tạo thêm quỹ đất để triển khai cơ chế, chính sách về bố trí, ổn định dân cư, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa, trên cơ sở chỉ đạo Chính phủ và quy định về kiểm kê rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 1826/QĐ-BNN-KL ngày 20/6/2024 ban hành Kế hoạch Kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên và các văn bản liên quan. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Viện Điều tra Quy hoạch rừng giải đoán ảnh viễn thám, tổ chức điều tra diện tích rừng. Đây là nhiệm vụ có tính chất chuyên môn và đòi hỏi kỹ thuật cao để có sản phẩm tốt nhất bàn giao cho các địa phương thực hiện kiểm kê rừng.
Để đảm bảo hoàn thành kiểm kê rừng theo kế hoạch, ông Bùi Chính Nghĩa đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp dưới thực hiện đồng bộ, đảm bảo kết quả kiểm kê rừng vùng Tây Nguyên; Cục Viễn thám Quốc gia, Đài Viễn thám Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc thu ảnh viễn thám tại các tỉnh vùng Tây Nguyên làm cơ sở để tổ chức điều tra rừng. Viện Điều tra Quy hoạch rừng và các đơn vị trực thuộc tập trung nhân lực, triển khai đồng bộ điều tra diện tích rừng để sớm có kết quả bàn giao cho các tỉnh để xác định trữ lượng rừng, kiểm kê rừng.
Theo Cục Kiểm lâm, mục tiêu của kiểm kê rừng lần này là nhằm xác định được toàn diện về hiện trạng diện tích rừng, trữ lượng rừng, trữ lượng carbon rừng và diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng gắn với chủ quản lý ở từng địa phương thuộc vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, đánh giá tình hình biến động diện tích rừng, trữ lượng rừng theo đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh so với số liệu theo dõi diễn biến rừng để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong việc quản lý, sử dụng, phát triển rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng một cách hiệu quả, bền vững…