Tổ chức tín dụng đã tự nguyện “lột xác”

Nếu như năm 2012, việc cơ cấu lại chủ yếu tập trung vào một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thì năm 2013, tái cơ cấu từ các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có sự chủ động và tự nguyện hơn.


“Nở rộ” sáp nhập, hợp nhất


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Hiệu ứng tái cơ cấu đã mở rộng xu hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại diễn ra không chỉ ở TCTD yếu kém mà còn giữa các ngân hàng lành mạnh với nhau.

TienPhong Bank đã tái cơ cấu thành công.


Theo NHNN, năm 2013 được xem là năm bản lề của việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án 254). NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm là: Bảo đảm khả năng chi trả của các TCTD, cơ cấu lại TCTD yếu kém; triển khai sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD trên nguyên tắc tự nguyện; lành mạnh hóa tài chính; tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các TCTD. Đến nay, số lượng TCTD đã giảm 6 tổ chức (4 NHTMCP và 2 TCTD phi ngân hàng) thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thu hồi giấy phép; 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác đã được chuyển đổi hình thức, tiến hành mua lại 1 công ty tài chính.


Trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Các ngân hàng này đã tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Năm 2013, NHNN tiếp tục xác định thêm 8 TCTD yếu kém để triển khai tái cơ cấu tiếp. Đối với một số NHTMCP yếu kém, NHNN áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu.


Một số chuyên gia tài chính, ngân hàng đánh giá: Cùng với việc hợp nhất giữa Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PvcomBank (tháng 9/2013) thì điểm khác biệt của năm qua là việc sáp nhập NHTMCP Đại Á (DaiABank) vào NHTMCP Phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Đây là 2 ngân hàng được đánh giá là an toàn, lành mạnh và không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc. Sự kiện này có thể mở đầu cho một xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng nhỏ và tầm trung thành những định chế lớn hơn hay một hướng vận động mới của hệ thống những năm tới.


Theo ông Nghĩa, tất cả các phương án tái cơ cấu NHTMCP yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Đến nay, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu.


Một trong những ngân hàng tái cơ cấu thành công là TienPhong Bank. Nếu như cách đây gần 2 năm, không ai ngờ TienPhong Bank với mức nợ xấu lên tới trên 6%, bộ máy hoạt động kém hiệu quả, gặp khó khăn về thanh khoản, có nguy cơ mất vốn điều lệ dưới quy định... thì sau khi “bắt tay” tái cơ cấu, đến nay, vốn huy động dân cư và tín dụng của TienPhong Bank tăng gấp đôi, nợ xấu giảm từ 6,4% xuống 2,7%.


Khi triển khai tái cơ cấu vào đầu năm 2012, nhờ “dám” nói thật về tình hình hiện tại của mình, đồng thời có chiến lược phát triển khả thi, TienPhong Bank đã “gọi vốn” thành công từ cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và các cổ đông cá nhân khác. Vốn điều lệ của TienPhong Bank từ mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2012 đã nhanh chóng tăng lên gần gấp đôi, đạt mức 5.550 tỷ đồng. Kết quả thực tế cho thấy, ngay trong năm 2012, mặc dù phải tái cơ cấu nhưng ngân hàng đã đạt 116 tỷ đồng lợi nhuận.


Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, các số liệu tài chính của TienPhong Bank là thực chất và minh bạch; các vấn đề tồn tại đều được các bên hữu quan nhận diện và có phương hướng xử lý khả thi; Chính phủ và NHNN cũng hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả; các cổ đông, bộ máy điều hành mới đều quyết tâm và tâm huyết với ngân hàng, nhờ vậy TienPhong Bank đã nhanh chóng thoát khỏi khó khăn.


Từ trường hợp thành công của TienPhong Bank trong tái cơ cấu, không ít ý kiến cho rằng: Đây là một trong những biện pháp mà các TCTD yếu kém hiện nay cần lưu tâm. Giờ không còn là lúc giấu giếm những yếu kém của mình, thay vào đó, các TCTD nên mạnh dạn và thẳng thắn vấn đề hiện nay của mình với các đối tác. Quan trọng hơn, cần đưa ra được chiến lược hoạt động hiệu quả; cách thức giải quyết nợ xấu và lợi ích liên quan của các nhóm cổ đông (nếu có); lộ trình lành mạnh hóa, có những mục tiêu rõ ràng và minh bạch để các đối tác xem xét về khả năng hợp tác rót vốn vào.


Theo Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú, để đảm bảo một TCTD tự tái cơ cấu thành công cần hội tụ đủ 3 yếu tố thực: Một là dòng tiền thực, hay vốn bằng tiền mặt được bơm vào ngân hàng. Thứ hai là cơ cấu sở hữu cổ đông và quản lý thực, không bị lợi ích nhóm của bất cứ cổ đông nào điều khiển và chi phối. Thứ ba là ban điều hành có năng lực thực, tâm huyết và dày dạn kinh nghiệm.


Ngoài TienPhong Bank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng được coi là thành công trong thương vụ thâu tóm Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) - một ngân hàng yếu kém đứng trước bờ vực phá sản. Thực tế, từ một ngân hàng thường xuyên có lãi, sau khi sáp nhập, SHB đã lỗ nặng trong năm 2012 và trở thành một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống. Đến tháng 6/2013, nợ xấu của SHB vẫn trên 9%. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2013, nợ xấu của SHB chỉ còn trên 7% và hết năm 2013 giảm còn dưới 5%. Lợi nhuận của SHB cũng đang quay trở lại, đạt trên 700 tỷ đồng tính đến quý III/2013. Niềm tin của nhà đầu tư đang quay trở lại với SHB. Minh chứng là cổ phiếu SHB vẫn đứng top đầu về thanh khoản trên sàn chứng khoán và dự báo sẽ tiếp tục nóng trong năm 2014.


Nợ xấu đã được kiềm chế


Theo các chuyên gia tài chính, xử lý nợ xấu có vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trong quá trình tái cơ cấu. “Đây là sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua”, ông Nghĩa nói.


“Trong năm 2014, NHNN tiếp tục tiến hành tái cơ cấu toàn diện trên tất cả các mặt về tài chính, quản trị, hoạt động và ở tất cả các nhóm TCTD với trọng tâm là các TCTD yếu kém, NHTM nhà nước và TCTD phi ngân hàng. NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện để xử lý các TCTD yếu kém và nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh của các TCTD; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu”. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa

Lãnh đạo NHNN chia sẻ, ở các nước khác thường nợ xấu được mua bán, xử lý dứt điểm nhưng với một chi phí rất lớn. Ở Việt Nam, ngân sách hết sức khó khăn và còn phải phục vụ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội khác do vậy chưa có điều kiện tập trung ngân sách cao vào việc xử lý nợ xấu. Trong khi đó, xử lý nợ xấu lại là vấn đề cấp bách.


Vì vậy, theo NHNN, việc ra đời mô hình xử lý nợ xấu sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mô hình VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam) trong năm qua của NHNN là hợp lý. Trong năm qua, NHNN đã thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu được triển khai gồm: Cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC. Đến nay, nợ xấu đã được kiềm chế và bước đầu đã được xử lý.


Theo báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 11/2013, tổng nợ xấu của toàn hệ thống là 142 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,55% tổng dư nợ tín dụng (giảm so với mức 4,73% của tháng 10/2013). Trong năm 2012 và 11 tháng của năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Để quản lý, theo dõi, giám sát và phản ánh chính xác, đầy đủ thực trạng nợ xấu của các TCTD và tiến dần theo thông lệ chuẩn mực quốc tế; đồng thời hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN