Đây là mốc quan trọng để tiến tới hoàn thành việc thử nghiệm và đưa tổ máy thứ 2 vận hành thương mại dự kiến vào tháng 6 năm 2018.
Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Theo EVN, trước khi tổ máy thứ 2 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 phát điện hòa lưới, các hệ thống bảo vệ môi trường như: Hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển - FGD, hệ thống lọc bụi tĩnh điện - ESP đã được đưa vào vận hành ngay từ khi đốt lò. Vì vậy, việc đảm bảo yêu cầu môi trường được thực hiện theo đúng quy định ngay trong quá trình thử nghiệm cũng như sau này khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do EVN làm Chủ đầu tư, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) là Tư vấn quản lý dự án, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân là đại diện Tư vấn quản lý dự án chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý dự án. Tổ hợp Nhà thầu thực hiện dự án là liên danh “Doosan – Mitsubishi – Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 – Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương”.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong 5 nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Bắc. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia VII và thuộc danh mục các công trình đầu tư cấp bách giai đoạn 2013-2020.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gồm 2 tổ máy với công suất mỗi tổ máy là 600 MW, tổng công suất lắp đặt là 1200 MW, dự kiến sản lượng phát điện hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 36 nghìn tỷ đồng. Đây là nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi thông số trên tới hạn (super critical).
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung Bộ, đồng thời góp phần nâng cao mức độ tin cậy, ổn định và vận hành kinh tế hệ thống điện Quốc gia.