Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, buổi tọa đàm có sự tham dự lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện lãnh đạo 4 địa phương gồm Kon Tum, Cần Thơ, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế và đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phấn khởi chứng kiến “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang phát triển rực rỡ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với sự chân thành và tin cậy chính trị cao. Thứ trưởng đánh giá hiện nay, hợp tác song phương nói chung và hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Nhật Bản nói riêng còn nhiều dư địa để phát triển, đóng góp trong việc nâng tầm quan hệ và mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Đại diện cho tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh - cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Vì thế, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số mạnh mẽ hướng đến một xã hội số, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Giới thiệu về tỉnh Bạc Liêu, bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - nhấn mạnh để đảm bảo sự phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, tỉnh Bạc Liêu đang nỗ lực mời gọi đầu tư tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là quan tâm mời gọi các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính đến từ Nhật Bản. Phương châm của tỉnh là “Việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan nhà nước phải làm, kiên quyết nói 'Không' với các chi phí không chính thức, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp”.
Tại buổi tọa đàm, ông Tsukada Manabu - Giám đốc cấp cao về Chiến lược toàn cầu (khu vực Đông Nam Á), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) - cho biết Việt Nam ngày càng đóng vai trò nổi bật trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh nhóm ngành chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao trong số các dự án mà các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, vài năm gần đây, nhóm ngành phi chế tạo cũng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn. Kết quả một cuộc khảo sát do JETRO thực hiện gần đây cho thấy có tới 60% số doanh nghiệp trả lời sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong khi chỉ có 47% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại khu vực Đông Nam Á nói chung. Điều này cho thấy, Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao hơn khu vực ASEAN nói chung về tiềm năng hợp tác và sức bật của thị trường.
Về phần mình, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - khẳng định từ năm 2017 đến nay, tỉnh Kon Tum đã cử 8 đoàn đi công tác Nhật Bản và đón 31 đoàn chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan đại diện Nhật Bản tại Việt Nam đến thăm và làm việc tại tỉnh. Hiện có 33 dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho tỉnh Kon Tum để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với tổng vốn ký kết là 16 triệu USD. Tỉnh Kon Tum cũng đã tiếp nhận hơn 2,17 triệu USD từ các tổ chức của Nhật Bản để triển khai 14 khoản viện trợ không hoàn lại, tập trung vào lĩnh vực: y tế, xây dựng hạ tầng nông thôn và giáo dục đào tạo... Đến với buổi tọa đàm này, tỉnh Kon Tum ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, du lịch sinh thái và cộng đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đi sâu làm rõ những ưu đãi đặc thù của tỉnh theo quyết định của Quốc hội để tạo điều kiện cho Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Trung tâm liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đặt tại thành phố Cần Thơ. Theo đó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư vào trung tâm này sẽ được hưởng chính sách ưu tiên về thủ tục hải quan, thủ tục hành chính, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế hải quan, thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn giảm tiền thuê đất trong một thời gian tương đối dài.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng quan khách, doanh nghiệp hai nước đã chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế cho công ty Okura Industrial/Nhật Bản, cũng như trao đổi hợp đồng ký kết giữa công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Huế và công ty Okura Industrial.
Phát biểu bế mạc, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu đề ra là quảng bá hình ảnh và giới thiệu đến các doanh nghiệp Nhật Bản cơ hội đầu tư tại nhiều địa phương của Việt Nam. Điều này thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cách đây hai tuần rằng: Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng hoạt động thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.