Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Điều này đồng nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong thời gian tới.
Đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của Việt Nam đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 đô la Mỹ (USD)/lao động, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011. Giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động của cả nước tăng bình quân 4,88%/năm; trong đó, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động Việt Nam chỉ đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động của Việt Nam là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, giải bài toán tăng năng suất lao động để có thể đạt mục tiêu phát triển cao không thể là việc làm trong 1 sớm 1 chiều. Nhiều chuyên gia và các nhà quản lý nhận định, phải hiểu rõ năng lực của người lao động, hiểu rõ vì sao năng suất lao động Việt Nam còn thấp để tìm biện pháp khắc phục. Đó phải là những giải pháp căn cơ, toàn diện, có khả năng bao quát mọi nguyên nhân, để có thể thu lại hiệu quả cao nếu triển khai áp dụng.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Báo cáo Việt Nam 2035 cho thấy, dù tăng đều qua các năm nhưng năng suất lao động Việt Nam lại đang giảm ở một số ngành và lĩnh vực như khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng và tài chính (những ngành mà doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và nhận nhiều ưu đãi). Trong khi hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đáng ngại hơn. Dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm. Điều này do hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ.
Phân tích nguyên nhân, ông Lộc cho biết, những năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp. Việc này diễn ra trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lơ là trong nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng vốn...
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế.
Từ góc độ chuyên gia, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản cho rằng, để tăng năng suất lao động quốc gia, Việt Nam cần có 1 chính sách tổng thể, theo đó, hướng tới mức tăng trưởng về năng suất lao động bền vững từ 7%-8%.
Trước mắt, có thể tập trung thúc đẩy tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp, sau đó mới tới các ngành như nông nghiệp và dịch vụ. Đối với quốc gia nhận được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài như Việt Nam, chiến lược tăng năng suất lao động sẽ có thể nhắm vào việc thu hút FDI chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước; đồng thời, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa 2 lĩnh vực này.
GS. Ohno cũng chỉ ra, mặc dù có nhiều năm hợp tác kinh tế chặt chẽ, nhưng Việt Nam vẫn chưa áp dụng công cụ năng suất nào của Nhật Bản một cách đầy đủ hoặc thậm chí một phần. Một số biện pháp tăng năng suất như 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và Kaizen (thay đổi để tốt hơn) đã được thử nghiệm ở cấp độ doanh nghiệp hoặc dưới sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhưng quy mô quá nhỏ và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Các thử nghiệm này không thể chế hóa hoặc mở rộng đến cấp quốc gia. Chính vì thế, phong trào tăng năng suất quốc gia nên được thực hiện trong ít nhất vài năm với các mục tiêu rõ ràng.
Đại diện doanh nghiệp, ông Đào Hữu Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa chất Đức Giang cho biết, liên tục trong nhiều năm, doanh nghiệp đã đạt kết quả sản xuất-kinh doanh cao, không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Có được kết quả này là nhờ sự chuẩn bị tốt, ứng dụng công nghệ phù hợp và hiện đại; hướng tới mục tiêu lâu dài. Hiện, đơn vị duy trì được nhiều đơn hàng trong nước bên cạnh việc xuất khẩu sản phẩm sang Ấn Độ và được đối tác đánh giá cao về uy tín, trách nhiệm và chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách hợp lý để thu hút, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp "đầu đàn" để phát triển nhằm tạo sự bứt phá và thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển. Có như thế, mới là cách hữu hiệu và thực tế để thúc đẩy năng suất lao động tại doanh nghiệp, ông Đào Hữu Huyền đề xuất
Thay mặt Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần năng lượng Thiên Phú nêu sáng kiến, để tăng năng suất lao động trong bối cảnh Việt Nam cùng nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang bị cuốn theo cơn lốc của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao trình độ, tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh và khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo để vận dụng trong mọi hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, nhất là các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhận thức, công nghệ và ý thức kỷ luật lao động chính là giải pháp hiệu quả và thực tiễn nhất để thúc đẩy năng suất lao động và từ đó mới có thể thu lại hiệu quả.