“Một lần nữa, bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang dự kiến đặt mục tiêu phát triển cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nhằm đánh giá thực trạng năng suất lao động của Việt Nam; xác định các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam và đề ra các giải pháp cải thiện năng suất lao động quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo thực trạng năng suất lao động của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), cao hơn nhiều mức 55,2 triệu đồng/lao động của năm 2011. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động nền kinh tế năm 2018 tăng 6% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.
Năng suất lao động ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm; trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng năng suất lao động đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng năng suất lao động đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ ra các nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là: quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; quá trình đô thị hóa, tích tụ công nghiệp diễn ra chậm và có những “rào cản” từ thể chế…
Cụ thể, ông Nguyễn Bích Lâm chỉ ra, chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Có thực tế là, thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp…
Nhìn chung, tăng năng suất lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất phổ biến ở các quốc gia có mức độ phát triển thấp. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra, nhận diện được các yếu tố, nguyên nhân tác động đến năng suất lao động là căn cứ quan trọng để xác định những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động trong thời gian tới.
“Với năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”; tăng năng suất lao động phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung vào thảo luận các giải pháp ở tầm vĩ mô, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức, có tay nghề, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý công nghệ, quản trị doanh nghiệp...