Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm soát chặt giá vận tải dịp Tết

Các nhà xe phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.

Ngày 8/12, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để việc tổ chức vận tải phục vụ Tết dương lịch, âm lịch, lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022 và đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 đạt hiệu quả, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch. 

Chú thích ảnh
Bến xe Giáp Bát. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

“Các đơn vị chức năng cần kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện. Niêm yết các thông tin theo quy định. Đặc biệt, yêu cầu nhà xe phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng”, ông Nguyễn Văn Huyện thông tin.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tăng cường quản lý hoạt động vận tải thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương có nhiều hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Đối với các Cục Quản lý đường bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, nhất là trên các trục đường chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm… để có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn.

“Các nhà đầu tư BOT xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các trạm thu phí khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến. Kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải toả phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc đường trước khi vào trạm thu phí đường bộ phải mở barie để giải toả phương tiện”, ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh.

Theo dự báo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng phương tiện vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng trong dịp Tết dương lịch và âm lịch, lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022 tới đây sẽ giảm đi, lượng phương tiện cá nhân sẽ tăng mạnh so với mọi năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải lên sẵn phương án cụ thể để đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo đủ phương tiện không để người dân nào không kịp về Tết sum vầy theo phong tục truyền thống do thiếu tàu, lỡ xe…

Quang Toàn (TTXVN)
Đề xuất miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải
Đề xuất miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải

Mặc dù Bộ Tài chính vừa có đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ thêm 6 tháng, để gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song các doanh nghiệp cho rằng, trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nhất là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, vận tải đường bộ “lao đao”, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét miễn phí bảo trì đường bộ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN