Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt. Kinh tế tăng 5,64% là mức tăng tương đối khả quan trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hiểu rõ hơn về các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Kinh tế Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường, xin bà cho biết những gam màu sáng và khoảng lặng của nền kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm 2021?

Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng, ấn tượng đã đạt được của năm 2020 với kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất kinh doanh đạt được những kết quả khá.

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa Đông Xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa được duy trì khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.

Nổi bật, khu vực doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Đó là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng ngừa, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương; giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay do giá nhập khẩu các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng cao. Giá vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục tăng, nhất là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ.

Cùng với đó, hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội tại các địa bàn có sự bùng phát của dịch COVID-19.

Tháng 6/2021 là tháng thứ ba liên tiếp cán cân thương mại nhập siêu với giá trị 1 tỷ USD, con số này đã đẩy cân đối thương mại 6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD; trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 5,86 tỷ USD. Nhập khẩu hàng tiêu dùng trị giá 9,78 tỷ USD, chiếm 6,1% trong tổng trị giá hàng nhập khẩu, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước.         

Chú thích ảnh
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trong thời gian qua, giá nguyên nhiên vật liệu một số ngành tăng đột biến, các nền kinh tế lớn thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Xin bà cho biết điều này có ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam hay không?

Qua diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2021, chúng tôi nhận định có một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát 6 tháng cuối năm. Đó là kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi khi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vacine phòng chống dịch COVID-19 kéo theo nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021.

Giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, đẩy giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng trong nước. Hiện nay, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 26/6/2021, ước tính giá dầu Brent bình quân 6 tháng đầu năm đạt khoảng 64,99 USD/thùng, tăng gần 29,5% so với tháng 12/2020 và tăng trên ,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 đạt khoảng 65 USD/thùng, tăng khoảng 55% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 35%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm 2020. Các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ quá trình phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên.

Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay. Theo tôi, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra thì việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là hoàn toàn khả thi.

Chú thích ảnh
 May gia công hàng dệt kim xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại công ty TNHH Yakjin (KCN Thụy Vân). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Với thực tế bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, xin bà cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Việt Nam liệu có đạt được hay không? Và kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng tới như thế nào?

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt. Các ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ; hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%; trong đó quý I tăng 4,65%; quý II tăng 6,61% là mức tăng tương đối khả quan trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Mặc dù, tiêm chủng vaccine COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều. Điều này làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Để phục vụ sự điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thống kê liên tục cập nhật tình hình kinh tế - xã hội trên cả nước, cập nhật các kịch bản tăng trưởng theo diễn biến tình hình thực tế và gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, Chính phủ làm căn cứ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp phù hợp theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể để phấn đấu đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất. 

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt cho công nhân tại công ty TNHH KOHSEI MULTIPACK Việt Nam, khu công nghiệp Bình Xuyên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tổng cục Thống kê đề xuất những giải pháp gì để thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa chống dịch hiệu quả, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua, thưa bà?

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường với kết quả tăng trưởng đạt 5,64%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 khoảng 6% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội, trong 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp; đang xảy ra tại những tỉnh, thành phố là đầu tàu phát triển kinh tế; tại một số tỉnh có nhiều ca lây nhiễm trong khu công nghiệp, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp đang là động lực phát triển kinh tế.

Trước những khó khăn, thách thức này, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Cụ thể là tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm tinh thần "chống dịch như chống giặc", với phương châm "5K + vaccine" và tăng cường ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội. Thực tế cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 làm nhiều ngành nghề “lao đao”, tuy nhiên lại trở thành động lực để thay đổi phương thức mua-bán truyền thống từ trực tiếp sang trực tuyến.

Để làm được điều đó, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao nhận thức tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trước mắt ưu tiên các địa phương chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cùng với đó, các cơ quan hữu quan kiểm soát và bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Đây là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhất là trong điều kiện giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao và Trung Quốc bất ngờ mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thủy sản với số lượng kỷ lục.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp. Đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời…

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công cũng là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa và bền vững, tận dụng hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết…

Xin cám ơn bà!

Thúy Hiền (TTXVN)
Long An tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Long An tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo UBND tỉnh Long An, dù chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN