Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Long An đạt 6,06%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 3,11%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 6,44%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 7,24%. Đây là mức tăng trưởng tương đối thấp, chưa đạt như kỳ vọng nhưng cao hơn so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng đạt 4,34%) và là mức tăng trưởng tương đối tốt so với các địa phương trong vùng, đứng thứ 3/13 so với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4/8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đáng chú ý, nhiều ngành công nghiệp ở địa phương có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ, có 50/73 sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,9%, ngành xây dựng tăng 10,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từng bước được khôi phục.
Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, Long An đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký gần 5.600 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 30 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 3,2 tỷ USD.
Theo UBND tỉnh Long An, tuy đạt những kết quả tích cực, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với sự nỗ lực cao nhất.
Theo đó, các địa phương, đơn vị tập trung duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là các khu công nghiệp, địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt mức cao nhất có thể, tạo động lực góp phần đạt tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các doanh nghiệp phát triển sản xuất trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các đơn vị, địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; triển khai các giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…