Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải toàn quốc

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Bộ Công an vừa ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Đồng thời, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp thực hiện Kế hoạch này.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ va chạm giữa hai xe khách giường nằm trên Quốc lộ 14, đoạn ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, tối 24/7/2023. Ảnh: TTXVN phát

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự, an toàn giao thông trong thời gian gần đây, nhất là tai nạn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải diễn ra vẫn chiếm từ 30% - 40% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ, Bộ Công an ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải hàng hóa bằng container, nhất là các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Qua tổng kiểm soát, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và lái xe, đồng thời, phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container để kiến nghị các cơ quan chức năng các giải pháp khắc phục.

Việc tổng kiểm soát phải được cụ thể hóa phù hợp đặc điểm, điều kiện tình hình địa phương và thực hiện đồng bộ ở cả 4 cấp Công an theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn được phân công phụ trách. Tăng cường phối hợp với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc ngành Giao thông Vận tải, kết hợp xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, nghiêm cấm việc lợi dụng tổng kiểm soát để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông trực tiếp tổ chức thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: xe đưa đón học sinh, công nhân, xe hợp đồng chở khách, xe bus và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Nghiên cứu nắm chắc thời gian, địa điểm, hành vi các phương tiện thường xuyên vi phạm để xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm soát, xử lý có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Các hành vi vi phạm được tập trung xử lý như: Vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; tốc độ; vi phạm phần đường, làn đường; chạy xe vào làn đường khẩn cấp của đường cao tốc; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; tránh, vượt; giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ như chở quá số người quy định; vi phạm lệnh vận chuyển, tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải; vi phạm hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách; vi phạm quy định về lắp camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải; phù hiệu, thời gian điều khiển phương tiện... cũng sẽ bị kiểm tra, xử lý.

Cảnh sát Giao thông sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.

Việc kiểm soát sẽ tập trung vào các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, trước khi đi vào các tuyến đường đèo dốc, quanh co nguy hiểm, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, khu vực các điểm trung chuyển, đón, trả khách không đúng quy định, các tuyến đường khu vực kho cảng, bến bãi, khu công nghiệp, các tuyến quốc lộ trọng điểm, cao tốc.

Từ đó, Công an có cơ sở để cập nhật, bổ sung thông tin, tài liệu về tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe container của tổ chức, cá nhân trên tuyến, địa bàn quản lý, cập nhật đầy đủ các thông tin doanh nghiệp, cá nhân là chủ phương tiện.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ phối hợp với ngành Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện lái xe có dương tính với chất ma túy và chất kích thích khác; gắn trách nhiệm các lực lượng với việc tổ chức kiểm soát từ nơi xuất phát, bến xe khách, điểm trung chuyển, đón trả hành khách, kho hàng, bến bãi, cảng, cửa khẩu, có biện pháp quản lý, giám sát; không kiểm định cho các trường hợp hết niên hạn sử dụng, thu hồi phù hiệu vận tải đối với các phương tiện thường xuyên có hành vi vi phạm, không chấp hành nội dung cam kết đã ký. Đồng thời, rà soát việc lắp đặt camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container; việc lưu trữ và truyền dẫn các thông tin (hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục...) về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông Vận tải.

Lực lượng chức năng kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn. Kiểm tra tại các điểm xuất phát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khỏe. Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc".

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, lái xe sẽ được tuyên truyền vận động ký cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, khả năng điều khiển, người đã sử dụng rượu, bia, có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác, đề cao trách nhiệm, không vì lợi ích kinh doanh nhất thời mà gây hậu quả xấu cho xã hội. Không đưa phương tiện chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng vào hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa...

Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, hộ lan, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, những vị trí mở đường dân sinh...; đánh giá, khảo sát xác định các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, những vị trí, khu vực thường họp chợ, nơi có trường học, tập trung đông người dọc các tuyến giao thông chính, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Kế hoạch được triển khai từ ngày 01/8/2023 đến ngày 15/10/2023 và được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn I (từ ngày 01/8/2023 đến 14/8/2023) sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Giai đoạn II (từ ngày 15/8/2023 đến 15/10/2023) Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm.

Vân Nhật (TTXVN)
Thu hồi phù hiệu hơn 11.000 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 11.000 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến hết ngày 30/5, cả nước có gần 9,8 nghìn phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN