TP Hồ Chí Minh có 531 mặt hàng dược phẩm được bán với giá bình ổn

Năm 2017, TP Hồ Chí Minh có 531 mặt hàng thuốc được bán với giá bình ổn tại 4.016 điểm bán.

Thông tin được thông báo tại buổi triển khai Chương trình Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trong năm 2017-2018 do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/6.

Theo dược sỹ Trần Văn Mười, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh), chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2017 thu hút 15 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tham gia, tăng thêm 1 doanh nghiệp so với năm 2016. 531 mặt hàng thuốc và 176 hoạt chất trong chương trình bình ổn sẽ được bán tại 4.016 điểm bán bao gồm cả nhà thuốc bệnh viện lẫn nhà thuốc tư nhân trên địa bàn Thành phố.

Toàn bộ thuốc tham gia chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu dùng thuốc thiết yếu cho người dân thành phố trong trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá thuốc trong chương trình bình ổn thấp và ổn định đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người bệnh.

Mặc dù giá thấp nhưng thuốc bình ổn có chất lượng, hiệu quả điều trị tốt, được người bệnh quan tâm. Ngoài ra, thuốc bình ổn đã chi phối thị trường, tạo ra một tác động lan tỏa, góp phần làm giá nhiều mặt hàng thuốc tương tự giữ ổn định, kìm hãm tốc độ tăng giá của thuốc nội trên địa bàn thành phố.

“Nếu như năm 2011, thời điểm bắt đầu triển khai chương trình bình ổn chỉ thu hút được sự tham gia của 4 doanh nghiệp với 45 mặt hàng và tại 400 điểm bán thì năm 2017 số lượng điểm bán đã tăng gấp 10 lần. Đây là sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế thành phố cùng với sự góp sức to lớn của các doanh nghiệp sản xuất dược trong việc đảm bảo ổn định giá thuốc trên địa bàn thành phố”, Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng cho hay.


Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng cho rằng trong thời gian qua các mặt hàng dược phẩm bình ổn giá mới chỉ hạn chế ở các loại thuốc phổ biến, các doanh nghiệp cần tăng cường bổ sung vào danh mục bình ổn các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị nhằm tạo cơ hội tiếp cận thuốc cho người dân.

Ngoài ra, để chương trình bình ổn thực sự hiệu quả, Sở Y tế Thành phố Hồ Minh yêu cầu các cơ sở y tế giám sát việc kê đơn của bác sỹ trong quá trình điều trị, đảm bảo người bệnh được hưởng mức giá ưu đãi từ chương trình bình ổn.

Đinh Hằng (TTXVN)
Cảnh giác với dược phẩm, mỹ phẩm giả danh hàng 'xách tay'
Cảnh giác với dược phẩm, mỹ phẩm giả danh hàng 'xách tay'

Sau 2 năm triển khai thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ9, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra 599 trường hợp liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN