Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chủ động kiểm soát nguy cơ lây mắc COVID-19, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, vừa an toàn cho người lao động. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thành lập Tổ Y tế để theo dõi sức khỏe người lao động, giám sát sự tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19; khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm hoặc có yếu tố dịch tễ, phải tạm thời cách ly, đánh giá sức khỏe người lao động, liên hệ ngay với đơn vị y tế để tổ chức xét nghiệm, kiểm tra dịch tễ theo quy định.
Người lao động tham gia hoạt động sản xuất phải đảm bảo đã tiêm đủ vaccine hoặc đã tiêm một mũi vaccine và có kế hoạch tiêm vaccine khi đủ thời gian tối thiểu hoặc người lao động đã khỏi bệnh, hoàn thành thời gian cách ly, giám sát y tế. Phương tiện vận chuyển người lao động phải được khử khuẩn, lái xe và phụ xe phải ghi nhật ký tiếp xúc hàng ngày, kiểm tra thân nhiệt và tuân thủ 5K; nơi làm việc phải thông thoáng, giữ khoảng cách 1m. Người lao động ăn theo ca, có vách ngăn, phân luồng ra, vào nhà ăn; tổ chức khai báo y tế bắt buộc đối với người lao động và người đến doanh nghiệp.
Điểm mới của công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh lần này là quy trình 4 bước xử lý khi phát hiện F0 (qua test nhanh hoặc xét nghiệm PCR) được quy định cụ thể như sau:
Đầu tiên, doanh nghiệp tạm thời cách ly F0 (người bị mắc COVID-19) ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly và liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ.
Kế đến là đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp cần cho thở oxy và liên hệ chuyển đến bệnh viện gần nhất. F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhân viên y tế sẽ tư vấn và hướng dẫn tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện). Ngược lại, nếu không đủ điều kiện, F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp (gồm: cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở cách ly tập trung tại phường, xã, quận, huyện hoặc điểm cách ly có thu phí).
Ngay sau đó, doanh nghiệp nhập thông tin F0 vào ứng dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19", đối với đơn vị có cơ sở cách ly tập trung. Đơn vị không có cơ sở cách ly sẽ báo thông tin F0 về Trung tâm Y tế quận huyện nơi doanh nghiệp hoạt động.
Cuối cùng, tạm ngưng hoạt động khu vực xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1, điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch để xử lý. Trường hợp F0 ở một dây chuyền sản xuất sẽ xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ hai dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng một phân xưởng sẽ xử lý trên quy mô toàn phân xưởng.
Trường hợp F0 ghi nhận từ hai dây chuyền sản xuất trở lên nhưng ở các phân xưởng khác nhau và không có mối liên quan dịch tễ với nhau, chỉ xử lý trên quy mô từng dây chuyền. F0 liên quan đến từ hai dây chuyền trở lên ở các phân xưởng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ cần xử lý trên quy mô toàn cơ sở sản xuất.
Các trường hợp F1 là những người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2m trong thời gian trên 15 phút như làm việc cạnh F0 trong dây chuyền sản xuất, ngồi cùng bàn ăn, ngồi cùng bàn trong cùng phòng làm việc... Cơ sở sản xuất nếu có trên 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ, tất cả F1 tiếp tục làm việc và sẽ thực hiện xét nghiệm lại vào ngày thứ 3, thứ 7 và tiếp tục mỗi ngày cho đến khi không còn phát hiện F0; hạn chế giao tiếp bên ngoài cho đến khi hết thời gian theo dõi.
Trường hợp cơ sở sản xuất có dưới 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ, đối với F1 chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ phải cách ly 14 ngày tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly, xét nghiệm lại vào ngày thứ 14. F1 đã tiêm đủ vaccine, được tiếp tục làm việc và xét nghiệm như ở cơ sở sản xuất có hơn 80% lao động tiêm chủng đầy đủ.