Ngày 6/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Gặp mặt giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào hiến kế xây dựng trung tâm tài chính, đô thị sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đang hoàn thiện kế hoạch xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo kết nối 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi để đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương. Khu đô thị sáng tạo được xác định là sản phẩm của tri thức mới, ứng dụng những cái mới, thu hút những người có năng lực trí tuệ cao nhất, từ đó lan tỏa ra 10 triệu dân của Thành phố.
"Với 300 năm lịch sử, TP Hồ Chí Minh là thành phố đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn đóng góp lớn về mặt kinh tế của cả nước. Do đó, TP Hồ Chí Minh phải là cái nôi của sáng tạo. Tuy nhiên, dân số TP Hồ Chí Minh ngày càng lớn khi cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người; hạ tầng không được quy hoạch tốt nên gây ách tắc về giao thông; nhiều vấn đề tồn tại về nhà ở, rác thải… Do đó, TP Hồ Chí Minh mong muốn các chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào sẽ hiến kế để xây dựng đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính. Bởi đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế toàn diện, vượt bậc của TP Hồ Chí Minh khi xây dựng thành thành phố thông minh", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Đóng góp ý kiến về chiến lược phát triển đô thị sáng tạo của TP Hồ Chí Minh, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để xây dựng khu "Đô thị sáng tạo", thành phố cần trả lời 3 vấn đề: Làm sao tổ chức được khu đô thị sáng tạo, tiền đâu xây dựng và làm sao thu hút được người dân về khu đô thị sáng tạo. Để giải những "bài toán" này, TP Hồ Chí Minh cần liên kết 3 khu như: Khu kinh tế tài chính Thủ Thiêm, khu đô thị đại học chất lượng cao Thủ Đức và khu logistic công nghệ cao quận 9, qua đó sẽ tạo động lực phát triển TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
Trong khi đó, anh Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc, cho biết thế giới chưa có khái niệm rõ ràng về đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, nhưng mọi người ngầm hiểu đô thị sáng tạo là sử dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ đời sống của con người. Với thời gian sống 15 năm tại một khu đô thị sáng tạo của Hàn Quốc, anh Linh thấy rằng việc xây dựng khu đô thị sáng tạo sẽ thay đổi toàn diện cho cả vùng như từ một đô thị không phát triển về kinh tế vươn lên có nền kinh tế phát triển vượt bậc, hạ tầng giao thông yếu kém được đầu tư đúng mức, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, được sử dụng các dịch vụ hiện đại, thông minh…
Vì vậy, theo anh Trần Hải Linh, TP Hồ Chí Minh muốn xây dựng đô thị sáng tạo cần đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông để kết nối 3 quận là quận 2, Thủ Đức, quận 9 và đầu tư phát triển theo đặc điểm của từng quận. Cụ thể, quận 9 phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao; quận Thủ Đức trở thành trung tâm đào tạo cán bộ sinh viên chuyên sâu, chất lượng cao và quận 2 phát triển thành trung tâm tài chính Thủ Thiêm.
“Trước mắt, TP Hồ Chí Minh cần hình thành ngay ủy ban tư vấn xây dựng khu đô thị sáng tạo, thành viên là ban tư vấn bao gồm các chuyên gia trí thức trẻ, doanh nhân kiều bào tiêu biểu, chuyên gia kinh tế - xã hội… để có ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm học hỏi từ các nước phát triển; đưa ra kế hoạch phát triển đô thị sáng tạo tầm ngắn, trung và dài hạn; tranh thủ “đi tắt đón đầu” trong khâu xây dựng để tiết kiệm thời gian; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thu hút chuyên gia cho xây dựng đô thị sáng tạo; hình thành ngành công nghiệp tái tạo, bởi khu đô thị sáng tạo không thể thiếu ngành công nghiệp tái tạo…”, anh Trần Hải Linh cho biết thêm.
Là một trong những kiều bào làm việc trong lĩnh vực khởi nghiệp, ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, cho biết: Một trong những lợi thế của kiều bào, đặc biệt lực lượng kiều bào trẻ, là kiến thức chuyên môn được lĩnh hội từ khắp nơi trên thế giới và khả năng nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Nếu được đóng góp cho việc xây dựng TP Hồ Chí Minh thành thành phố thông minh, trung tâm tài chính, kiều bào sẽ đóng góp hết sức mình.
“Tuy nhiên, điều mà những kiều bào trẻ - lứa kiều bào đã học tập, sinh sống hoặc sinh ra và lớn lên ở nước ngoài rất cần hỗ trợ là các kết nối, các đầu mối giữa các doanh nhân giàu kinh nghiệm, các cơ quan Nhà nước hoặc các quỹ đầu tư trong môi trường “lạ nước, lạ cái” khi trở về. Cần chính sách và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan, ban ngành của thành phố để đẩy mạnh sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trên địa bàn thành phố, từ đó nhân rộng mô hình phát triển ra toàn thành phố và đóng góp công sức cùng thành phố xây dựng đô thị sáng tạo”, ông Danny Võ Thành Đăng cho biết thêm.
Ghi nhận sự đóng góp của chuyên gia trí thức, kiều bào, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, sự hiện diện và gắn bó của chuyên gia trí thức và kiều bào với thành phố còn là thông điệp tích cực để động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng trở về, đóng góp của các thế hệ tiếp theo. Một TP Hồ Chí Minh phát triển, một nước Việt Nam giàu mạnh là khát vọng từ trái tim của tất cả người Việt, không chỉ riêng những người đang có mặt tại quê nhà.
“Việc trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính của khu vực không chỉ là một tham vọng, mà còn là kế hoạch cần triển khai của TP Hồ Chí Minh nhằm xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng như việc thực thi các công cụ tài chính khác của các cơ quan nhà nước. Một nền tài chính phát triển khỏe mạnh, một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao không chỉ mang lại sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kế hoạch xây dựng đô thị sáng tạo, mà còn là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố. Để làm được điều này, cần sự đóng góp không nhỏ từ các chuyên gia trí thức, kiều bào và người dân thành phố trong việc hoàn thành mục tiêu chung xây dựng đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.