Cơ hội mới, mục tiêu mới
Đối diện nhiều thách thức nhưng các chuyên gia cũng nhận định, TP Hồ Chí Minh vẫn có cơ hội thu hút đầu tư nếu xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm. Ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư C+, một chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhận định: TP Hồ Chí Minh đã trải qua 2 làn sóng đầu tư FDI, làn sóng đầu tư thứ 3 tuy chưa rõ ràng nhưng vẫn có sự dịch chuyển giữa các khu vực. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và những xung đột quân sự, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn càng thúc đẩy nhà đầu tư hướng đến các khu vực tình hình chính trị - xã hội ổn định, đây là lợi thế của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Ngay cả những tập đoàn đa quốc gia, có nhiều nhà máy ở nhiều nước khác nhau cũng có nhu cầu tái cấu trúc chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tăng sức chống chịu trước những rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng tương tự trong tương lai.
Một cơ hội khác đến từ chính sách áp thuế tối thiểu toàn cầu, vì sẽ khiến các quốc gia trước đây thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế mất sức hút. Đó là thời cơ để TP Hồ Chí Minh phát triển thành trung tâm tài chính, tham gia tái phân bổ dòng vốn đầu tư cho khu vực lân cận.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại TP Hồ Chí Minh đã đến thời kỳ giảm tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, chi phí sử dụng đất tại thành phố cao hơn các địa phương nên không còn lý tưởng để phát triển các dự án sản xuất quy mô lớn, sử dụng nhiều quỹ đất. Thay vào đó, TP Hồ Chí Minh cần hướng tới thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn, vi mạch; dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng và hiệu suất lợi nhuận cao hơn như trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử... Thành phố phải ưu tiên chọn lọc thu hút các nhà đầu tư có khả năng kết nối với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài trở thành một chuỗi liên kết giá trị.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, thành phố đang xây dựng Đề án thu hút vốn FDI giai đoạn 2023 - 2025 tầm nhìn 2030; trong đó, hướng tới nhà đầu tư chiến lược (rót vốn từ 30.000 tỷ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỷ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo).
Đề án này kỳ vọng đến năm 2025 thu hút trên 50 dự án công nghệ cao, với ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD. Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của nhóm nhà đầu tư trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga, Anh, Mỹ) đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023 - 2025. Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Về lĩnh vực, TP Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút vào kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano; tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Song song đó, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh thu hút và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối (đường bộ, cảng biển, hàng không); dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch…)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điểm mấu chốt trong đề án này là phải xác định được khái niệm thế nào là “nhà đầu tư chiến lược” và những lĩnh vực trọng yếu mà thành phố có lợi thế để tập trung thu hút đầu tư. Xây dựng được bộ tiêu chí cụ thể về “nhà đầu tư chiến lược” cùng các cơ chế áp dụng tương ứng sẽ giúp nhà đầu tư có hệ quy chiếu và đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Đề án cũng cần có lộ trình thực hiện để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, cũng là cơ sở để thành phố đánh giá hàng năm hay giai đoạn, xem việc thu hút đầu tư đạt được cấp độ nào.
Kiến tạo lợi thế mới
Để vượt qua giai đoạn “quá độ” giữa thu hút đầu tư đại trà tiến tới thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực trọng điểm, mang lại hiệu quả cao, các chuyên gia cho rằng TP Hồ Chí Minh cần có sự đột phá trong việc tạo những lợi thế vượt trội, khác biệt để trở nên hấp dẫn hơn.
Ông Phạm Phú Trường cho rằng, muốn trở thành “bến đỗ” cho các nhà đầu tư chiến lược, trước hết TP Hồ Chí Minh phải tự nâng cấp năng lực của mình. Đầu tiên là khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào; tiếp đến là nguồn nhân lực và chất lượng môi trường sống.
“Doanh nghiệp nước ngoài luôn có nhu cầu tìm nguyên liệu, linh kiện tại chỗ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chúng ta không thể yêu cầu họ liên kết, sử dụng sản phẩm nội địa nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn chung. Tương tự với nguồn nhân lực, muốn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao thì thành phố phải đảm cung ứng được đội ngũ lao động có chuyên môn, trình độ tương ứng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng đầu tư vào nơi mà họ sẽ sinh sống, do đó thành phố cần nhanh chóng cải thiện các vấn đề như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, dịch vụ giao thông công cộng, chăm sóc sức khoẻ…”, ông Phạm Phú Trường khuyến nghị.
Cùng quan điểm, ông Ngô Nghị Cương cho biết: Ngoài vấn đề tiềm năng tăng trưởng kinh tế, dư địa thị trường thì mức độ an toàn khi đầu tư hay nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những yếu tố mà doanh nghiệp luôn quan tâm khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, nhà đầu tư mới hiện tìm kiếm những khu vực có khả năng kết nối hạ tầng tốt với các khu vực xung quanh, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trong đó, hạ tầng cứng bao gồm liên kết vùng thông qua đường bộ, cảng biển, đường hàng không… Hạ tầng mềm là những dịch vụ mà họ có thể sử dụng được trên mạng, tận dụng được thế mạnh của những công nghệ số để kết nối dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Do đó, TP Hồ Chí Minh phải đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông mà doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng được một cách dễ dàng.
Là đơn vị phụ trách tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh, bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập và hướng đến công bằng về mặt thuế quan, chất lượng môi trường đầu tư chính là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của một địa phương. Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất lúc này là môi trường kinh doanh minh bạch, chính sách rõ ràng, dễ hiểu, ít thay đổi và dự báo được; cùng với đó là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật - giao thông, khả năng kết nối chuỗi cung ứng với khu vực.
Theo bà Cao Thị Phi Vân, TP Hồ Chí Minh không thể phát triển một mình mà là một mắt xích quan trọng, có vai trò kết nối trong vùng kinh tế phía Nam. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, TP Hồ Chí Minh cũng tích cực thúc đẩy liên kết vùng về mọi mặt từ kết nối giao thông, liên kết vùng nguyên liệu - sản xuất với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng thu hút đầu tư vào cả khu vực chứ không chỉ riêng từng địa phương.
Chia sẻ góc nhìn này, nhiều chuyên gia cũng gợi ý TP Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò hạt nhân và điều tiết trong việc thu hút đầu tư cho vùng Đông Nam Bộ và khu vực phía Nam nói chung thông qua việc thu hút nguồn lực tài chính cung cấp cho các dự án; trở thành địa điểm đặt văn phòng giao dịch của các công ty còn nhà máy sản xuất sẽ dịch chuyển sang các địa phương khác có lợi thế hơn về quỹ đất và lao động tại chỗ. Việc phối hợp nhịp nhàng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương vào sự phát triển chung của khu vực theo đúng tinh thần và mục tiêu mà Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.