Kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua
Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, gần đây, giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao do nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng đã khiến không ít người dân phải tiết giảm mua sắm hoặc chọn các kênh bán lẻ có nhiều chương trình khuyến mãi để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Điều này đồng nghĩa là sức mua tại các chợ truyền thống vốn đã ế giờ càng ế hơn.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống như: Bà Chiều (quận Bình Thạnh), Tân Định (Quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), Phước Bình (thành phố Thủ Đức)… mãi lực tại các chợ này đang giảm 50 - 60% so với trước đây. Sức mua giảm cộng thêm chi phí đầu vào tăng đã khiến một số mặt hàng thực phẩm cũng đang trên đà tăng giá. Theo các tiểu thương, dù cố gắng không tăng giá nhiều nhưng người mua vẫn không mặn mà vào chợ truyền thống như trước. Vì vậy, đa số tiểu thương đều hào hứng tham gia chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022” để mong có thể vực lại sức mua như trước.
Chị Vũ Thị Thúy, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Tân Định cho biết, để thu hút khách hàng đến chợ truyền thống, ngoài việc thay đổi cách tổ chức buôn bán (vừa bán trực tiếp vừa bán trực tuyến), chị còn đăng kí tham gia “Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022” với mức giảm giá đến 50% cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm đồ gia dụng… Một số gian hàng còn trang trí bắt mắt để trông tươm tất hơn, sạch sẽ và niêm yết giá cả rõ ràng hơn để thu hút người tiêu dùng đến mua nhiều hơn... "Chúng tôi đặt kỳ vọng trong tháng khuyến mãi, khách hàng sẽ đông hơn chứ gần đây mặt hàng nào cũng ế ẩm do người dân đang tiết kiệm, hạn chế chi tiêu vì tác động của giá xăng", chị Vũ Thị Thúy than thở.
Chia sẻ thông tin về “Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị cùng phối hợp thực hiện "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" hiệu quả, tạo sức mua lớn; đồng thời giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận được hàng hóa với giá cả phù hợp. Vì vậy, điểm mới của chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" là có thêm sự tham gia của hệ thống chợ truyền thống. Tính đến nay, các UBND quận, huyện và ban quản lý các chợ truyền thống đã tuyên truyền cho các tiểu thương tại các chợ truyền thống, tùy theo khả năng, tình hình, tiểu thương sẽ tham gia và có mức khuyến mãi phù hợp với từng gian hàng.
Kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay, chương trình "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" - Mùa mua sắm "Shooping Season" 2022 diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 15/6 đến ngày 15/7 với chủ đề "Tưng bừng mua sắm mùa Hè 2022". Đợt 2, từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề "Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2022". Qua đó, đem đến cho người tiêu dùng những chương trình khuyến mãi đồng loạt, với hạn mức khuyến mãi lên đến 100%.
“Năm nay, Sở thay đổi cách tiếp cận. Trước đây, Thành phố vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nhưng năm nay, Thành phố hỗ trợ, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp tự tham gia, lấy đây là cơ hội để khai thác, tìm kiếm khách hàng. Phản ứng của các doanh nghiệp cho thấy cách làm này đúng hướng, doanh nghiệp tự tính toán chọn thời điểm phù hợp trong thời gian chương trình diễn ra để tổ chức khai mạc khuyến mãi thu hút người tiêu dùng", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.
Để kích cầu tiêu dùng, ngoài hoạt động "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022", ngành công thương Thành phố tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 – Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn và tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022; triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển xuất nhập khẩu cho từng nhóm ngành hàng, chuyên đề năm 2022 “Nông sản Việt vươn xa”...
Theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm nay là chia rõ ba nhóm đối tượng, gồm doanh nghiệp (DN) cung ứng, DN phân phối, ngân hàng hỗ trợ vốn. Ngoài ra, các đơn vị, DN còn có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, phân công chi tiết, phù hợp đặc điểm từng loại hình tham gia bình ổn giá. Đối với DN cung ứng, tập trung sản xuất, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu…; đối với DN phân phối, tập trung phát triển tổ chức điểm bán, hệ thống kho bãi, logictis; nhóm ngân hàng hỗ trợ về vốn.
Ghi nhận nỗ lực kìm giá của các doanh nghiệp, đơn vị nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng số DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn của TP Hồ Chí Minh năm 2022 - 2023 là 34 đơn vị với 10 nhóm hàng. Hiện nay, một số sản phẩm trong chương trình bình ổn giá của Thành phố vẫn không tăng giá bán mà đang kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, hiện nay có 3 nhóm hàng được DN đề nghị tăng giá là dầu ăn (tỉ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 10 - 27%) và trứng gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 5 - 9%). Ngoài ra, 6 nhóm hàng còn lại vẫn đang được DN giữ nguyên giá như năm 2021. Đối với những mặt hàng đã được điều chỉnh tăng giá, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. "Việc điều chỉnh giá tăng đợt này là phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền lợi DN và người tiêu dùng. Bởi giá nguyên liệu đầu vào đang tăng gây khó khăn cho DN nên họ buộc phải tăng giá bán sản phẩm", ông Nguyễn Trần Phú nói.