Các dự án này bao gồm: Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Quốc lộ 22 (từ đường Liêu Bình Hương đến đường Nguyễn Văn Ni), dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Quốc lộ 22 (từ đường Liêu Bình Hương đến đường Trần Văn Chẩm) và dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Quốc lộ 22 (từ rạch Cống Nhĩ đến đường Nguyễn Thị Rành).
Các dự án chống ngập nếu thực hiện hiệu quả sẽ giúp đời sống người dân bớt khó khăn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh
|
Ngoài ra, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án hệ thống thu gom nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát bằng nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BLT). TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện đang cần một nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho chống ngập của TP Hồ Chí Minh là 96.327 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại nguồn vốn đã triển khai đạt khoảng 28% (khoảng 22.900 tỷ đồng) và đang thiếu hụt nguồn đầu tư khoảng 73.300 tỷ đồng.
Mới đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện hội nghị mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 17 dự án thuộc chương trình chống ngập nước bằng hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hoá – Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Rạch Cầu Dừa và lưu vực Tây Bắc. Các dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến trên 45.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn 6 dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch với tổng mức đầu tư dự kiến 19.640 tỷ đồng; 3 dự án đê bao cùng các cổng kiểm soát triều có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.722 tỷ đồng và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.