Trà Vinh sẽ phát triển diện tích trồng dừa trên 28.000 ha

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung phát triển ngành hàng dừa theo hướng bền vững. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng dừa trên 28.000 ha, năng suất bình quân khoảng 17,8 tấn/ha và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa tăng bình quân 5%/năm.

Chú thích ảnh
Diện tích trồng dừa tại xã Lương Hòa (Châu Thành, Trà Vinh).

Giai đoạn này, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa. Địa phương phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa; khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm từ dừa. 

Trà Vinh cũng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực gắn với các sản phẩm OCOP được tạo ra từ cây dừa, nhất là dừa sáp; nghiên cứu hương vị từ dừa sáp để sản xuất một số loại sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch; xây dựng các chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, tỉnh Trà Vinh xác định dừa là cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị để phát triển ngành hàng này bền vững.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư ở ngành hàng dừa, địa phương cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm từ dừa, nhất là sản phẩm dừa tươi, dừa hữu cơ và dừa sáp. Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng dừa; tăng cường kiểm dịch thực vật các loài đối tượng kiểm dịch mà các nước nhập khẩu dừa quan tâm. 

Đến nay, diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Tỉnh có gần 89.000 hộ trồng hơn 7,2 triệu cây dừa  trên diện tích 27.520 ha; trong đó, 23.600 ha đang cho trái, cao hơn 8.200 ha so với năm 2014. Những năm gần đây, năng suất dừa ở Trà Vinh đạt khá cao, trên 17,1 tấn/ha/năm, tương đương 14.300 quả/ha/năm, tăng 2,5 tấn/ha so với năm 2014, cao nhất cả nước, cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị nông sản và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tỉnh hiện có 5.276 ha dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế của trên 6.000 hộ dân ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành. Toàn bộ diện tích này được 8 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tỉnh còn 3.000 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đang chờ được cơ quan chức năng chứng nhận. 

Bên cạnh đó, địa phương phát huy cao nhất giá trị quả dừa sáp đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận cho tỉnh Trà Vinh; tiếp tục đẩy nhanh Đề án nhân giống dừa sáp cấy mô để sản xuất hướng đến thị trường xuất khẩu. Cùng với việc tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tỉnh Trà Vinh khuyến khích đa dạng hóa loại hình liên kết sản xuất - tiêu thụ, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh dừa hữu cơ để xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tổng giá trị sản xuất của cây dừa năm 2024 của địa phương ước đạt 1.700 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2024 là 8,5%/năm, chiếm gần 10% giá trị sản ngành trồng trọt, chiếm 7,5% giá trị sản xuất nông nghiệp và chiếm gần 5% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Trong số diện tích trồng dừa của tỉnh có hơn 1.400 ha được cấp 19 mã số vùng trồng nội địa và gần 1.400 ha được cấp 10 mã số vùng trồng xuất khẩu. Hiện tỉnh có 9 vùng trồng dừa với tổng diện tích  trên 1.240 ha và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Địa phương cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, đàm phán với nước nhập khẩu (Trung Quốc) để tiếp tục cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đối với 8 vùng trồng dừa của hơn 1.000 hộ dân  ở xã Long Thới, huyện Tiểu Cần trên tổng diện tích hơn 450 ha. Đặc biệt, tỉnh đang từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng dừa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án phát triển ngành dừa tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Ngành cũng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng dừa; tăng cường hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu; khuyến khích và hỗ trợ nhà vườn thành lập, tham gia hợp tác xã để sản xuất tập trung, dễ tiếp cận các chính sách và có thị trường tiêu thụ ổn định. 

Ngành chức năng tỉnh Trà Vinh phối hợp với các viện, trường đại học để nghiên cứu, tuyển chọn và chuyển giao giống dừa mới chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, cho giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu các nước nhập khẩu để thay thế dần giống dừa truyền thống.

Trà Vinh đang mời gọi các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu để xây dựng nhà máy chế biến, phát triển liên kết với người sản xuất, cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế trên địa bàn tỉnh để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa tươi, dừa hữu cơ.

Bài và ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Cơ hội mới cho ngành dừa
Cơ hội mới cho ngành dừa

Tiền Giang có khoảng 20.500 ha dừa, tập trung tại các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh, với sản lượng khoảng 234.000 tấn quả/ năm. Là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, ngành dừa cho sản phẩm phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN