Trà Vinh tái diễn cảnh xếp hàng bán tôm

Cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang khan hiếm tôm sú nguyên liệu do thất mùa, nhưng tại Trà Vinh, người nuôi tôm đang phải xếp hàng, bốc số để bán tôm với giá thấp hơn giá thị trường chung.

Tôm thu hoạch rộ khiến nhiều nhà máy thu mua tôm tại Trà Vinh quá tải.


Theo người dân nuôi tôm và ngành chức năng địa phương, giá tôm sú nguyên liệu được các thương lái và nhà máy thu mua ở vùng tôm xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải hiện nay thấp hơn ở các tỉnh trong khu vực từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tại thời điểm hiện nay, người nuôi tôm Trà Vinh mới thu hoạch hơn 13.000 tấn tôm nguyên liệu, đạt khoảng 60% diện tích nuôi tôm, trong khi đó giá tôm giảm, chỉ còn 162.000 đồng/kg, giảm bình quân 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy từng loại. Với mức chênh lệch này, mỗi tấn tôm sú thu hoạch, nông dân nuôi tôm mất lãi 15 triệu - 20 triệu đồng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, sản lượng tôm sú thương phẩm năm 2011 giảm hơn 100.000 tấn, tương đương giảm khoảng 1/3 so với năm 2010. Tại ĐBSCL, tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, do nông dân Trà Vinh thả nuôi thời vụ và thu hoạch đồng loạt, khiến lượng tôm tập trung vào các nhà máy chế biến trong tỉnh quá nhiều, tạo ra tình trạng ùn hàng, người nuôi tôm bị ép giá. Mặc dù nhiều nhà máy chế biến tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang “đói” nguyên liệu, nhưng người dân ngại vận chuyển đi xa, nên chấp nhận tình trạng bị thương lái và các nhà máy trong tỉnh bắt chẹt.
Ở huyện Cầu Ngang, một trong những vùng nuôi chính của tỉnh, so với đầu vụ thu hoạch cách đây khoảng 1 tháng, giá tôm loại 20 con/kg đã giảm từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, loại 25 con giảm từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giảm hơn 20.000 đồng/kg. Chỉ tính thu hoạch toàn huyện đến thời điểm hiện nay là 7.500 tấn (60% sản lượng), nông dân đã bị mất lãi hàng chục tỷ đồng, ông Dương Tấn Đởm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang phân tích.

Không bán được tôm cho công ty, người dân Trà Vinh đem tôm ra đường bán lẻ.


Anh Nguyễn Minh Tâm, ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, chở tôm bán cho Công ty CP chế biến thủy sản Cửu Long, bức xúc: Công ty mua giá càng ngày càng sụt, có nhiều người chờ 1-2 ngày mới bán được tôm. Thương lái xuống tận nơi mua cao hơn 5.000 - 7.000 đồng, nhưng người dân không dám bán vì sợ bị ăn chặn, ăn bớt, trong khi công ty nhà nước lại không tạo điều kiện tiêu thụ cho người nuôi tôm, mà còn mua với giá thấp hơn giá thị trường… Mức giá như hiện nay, người nuôi mất khoảng 20 triệu đồng/tấn. Không biết có vấn đề gì trong kinh doanh mà xí nghiệp thấy cỡ tôm lớn nhiều thì hạ giá tôm lớn xuống, tôm nhỏ nhiều thì hạ giá tôm nhỏ xuống. Như thời điểm hiện nay đang thu hoạch rộ, tôm cỡ 20 con/kg rất ít thì được đẩy giá lên, trong khi cỡ tôm 30 con/kg đang nhiều thì bị đẩy giá xuống, chỉ mua ở mức khoảng 180.000 đồng/kg.

Giá tôm giảm, năm nay người nuôi tôm xã Mỹ Long Nam mất đi tiền tỉ, trúng mùa mà không vui. Nhiều hộ nuôi cho biết, cách đây 20 ngày, thương lái đến tại ao tôm mua với giá cao kỷ lục, từ 235.000 - 245.000 đồng/kg (loại 1), thì hiện tại đã giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, tôm loại 30 con/kg, phần lớn diện tích nuôi đạt kích cỡ này, có mức giá giảm mạnh nhất, từ 169.000 - 175.000 đồng/kg xuống 156.000 - 160.000 đồng/kg. Như vậy, so với lúc cao nhất, tôm loại 30 con/kg đã giảm 20.000 đồng/kg.

Giá thu mua tôm tại Công ty CP chế biến thủy sản Cửu Long cũng giảm mạnh, để bán được sản phẩm, nông dân phải bắt số, xếp hàng theo thứ tự. Tình trạng xếp hàng chờ bán tôm khi trúng mùa đã có cách đây 3-4 năm, nay tiếp tục tái diễn. Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bang, Tổng GĐ công ty cho biết, cách đây vài hôm do bà con thu hoạch rộ, có lẽ là do tôm bị sốc nên lượng xe chở tôm đến công ty mỗi ngày có hơn 100 xe, công ty không cân kịp nên xảy ra tình trạng ứ hàng, phải bốc số thứ tự để cân hàng. Tuy nhiên, ngay sau đó công ty đã giải tỏa hết số hàng trên, hiện tại, số lượng xe chở tôm đến bán tại công ty đã giảm nhiều, không còn tình trạng xếp hàng nữa.

Bài và ảnh: Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN