Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến xuất khẩu
Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn lớn trong việc duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại, do không có cơ hội tham gia trực tiếp các hội chợ, triển lãm tại nước ngoài.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã triển khai đa dạng các giải pháp ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu. Một trong những hoạt động nổi bật là việc triển khai chuỗi gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình "Triển lãm từ xa" tại các hội chợ triển lãm có quy mô lớn và uy tín tại Trung Quốc.
Tại kỳ Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 (CAEXPO 2021) vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 10 - 13/9 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, Việt Nam tham gia Hội chợ với quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN (với 2.000 m2 diện tích trưng bày).
Ngoài khu gian hàng trực tiếp có sự tham gia của trên 70 doanh nghiệp có đại lý, chi nhánh tại Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức khu gian hàng của trên 20 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ theo mô hình "Triển lãm từ xa" thuộc các ngành hàng có sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc như: Nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng...
Từ ngày 24 - 26/9, tại TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc diễn ra Hội chợ Hoa quả Quảng Châu 2021 với quy mô 500 gian hàng trưng bày trên diện tích 30.000m2. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia hoạt động này thông qua “Triển lãm từ xa” để duy trì hoạt động quảng bá và xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
Với mô hình này, khu gian hàng theo mô hình "Triển lãm từ xa" của các doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ đã thu hút số lượng lớn khách tham quan và giao dịch; đồng thời, đã quảng bá hiệu quả hình ảnh các sản phẩm, thương hiệu chất lượng và có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19
Theo hình thức “Triển lãm từ xa”, các doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng mẫu trưng bày trực tiếp tại Hội chợ và thực hiện kết nối giao dịch trực tuyến với khách hàng thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số, các nhà mua hàng có cơ hội xem xét, trải nghiệm sản phẩm thực tế một cách toàn vẹn.
Cục Xúc tiến thương mại tổ chức dàn dựng gian hàng chung thiết kế bắt mắt, đảm bảo các công năng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng, trưng bày giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại Hội chợ, lắp đặt các thiết bị (máy tính, đường truyền internet, phần mềm công nghệ thông tin, phiên dịch…) để các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể dễ dàng kết nối, đàm phán giao dịch trực tuyến với doanh nghiệp tại chương trình.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mô hình "Triển lãm từ xa" là giải pháp phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, duy trì và mở rộng các hoạt động xuất khẩu, cũng như tham gia vào các kênh phân phối tại Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID- 19.
Nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID -19, trong đó nêu rõ: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc (gồm sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản...).
Bộ Công Thương chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,8%. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam. Với đà này, xuất khẩu rau quả năm nay sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, dự kiến có thể đạt từ 3,6 tỷ USD đến 4 tỷ USD.