Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàu Thái Bình Dương Nha Trang (địa chỉ tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) được UBND tỉnh giao quyền sở hữu và sử dụng kết quả Dự án trên; đồng thời có trách nhiệm chủ động sản xuất giống, tiếp tục hỗ trợ các hộ dân tham gia mô hình tổ liên kết nuôi tu hài thương phẩm tại đầm Nha Phu và vịnh Vân Phong, nhằm từng bước hình thành vùng nuôi an toàn, tiến tới xây dựng thương hiệu tu hài gắn với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Công ty phải phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chính quyền huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa tập huấn, hỗ trợ chuyển giao quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm tu hài cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tại địa phương.
Sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài là dự án có kinh phí thực hiện gần 5,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước, địa phương hỗ trợ trên 1,27 tỷ đồng từ nguồn phát triển khoa học - công nghệ, còn lại do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàu Thái Bình Dương Nha Trang bố trí, huy động. Dự án được triển khai trong 24 tháng và hoàn thành vào cuối năm 2021, được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàu Thái Bình Dương Nha Trang, dự án đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo tu hài với quy mô hàng hóa (20 triệu giống cấp I/năm); bố trí thực nghiệm nuôi tu hài bằng hình thức rổ để đáy và lồng treo, đạt năng suất nuôi 2 đợt tổng cộng 10 tấn/năm.
Hiện nay, giá 1 kg tu hài thương phẩm trên thị trường là 300.000 - 400.000 đồng/kg tại bè nuôi. Do có giá trị cao và nguồn lợi tự nhiên của tu hài đang ngày càng cạn kiệt nên nhu cầu tu hài thương phẩm từ nguồn nuôi ngày một gia tăng. Kết quả của dự án tạo ra nguồn giống tu hài đủ lớn, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người nuôi và có giá thấp hơn (dự kiến là 20%) so với giá thị trường.
Đánh giá của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cho thấy, dự án đã giải quyết được các vấn đề đặt ra như: Cung cấp con giống và tu hài thương phẩm với số lượng lớn (đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng) để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, ngoài tỉnh; tổ chức được tổ liên kết tham gia nuôi tu hài thương phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho ngư dân địa phương trong điều kiện nguồn lợi vùng ven bờ ngày càng bị giới hạn; khai thác tốt diện tích mặt nước tự nhiên và góp phần nâng cao chất lượng môi trường nước biển. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu đã đạt được góp phần phát triển nghề sản xuất giống và nuôi tu hài trên quy mô hàng hóa, cải tạo, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giảm áp lực khai thác, duy trì hệ sinh thái biển ven bờ theo hướng bền vững.