Theo ông Nguyễn Thành Sơn, trú tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, với giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg.
Tuy vậy, ông Sơn cho hay, nguồn cung hiện tại không nhiều bởi trong các năm qua, giá cá tra thấp, người nuôi lỗ nên không ít hộ phải treo ao hoặc chuyển sang mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn. Gia đình ông có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi cá tra xuất khẩu vẫn cố gắng đeo đuổi nghề. Hiện ông có 2 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 2.000 m2 mặt nước. Trong những ngày tới, sản lượng cá xuất ao của gia đình ông Sơn vào khoảng 200 tấn cá tra thương phẩm.
Giá cá tra hồi phục và tăng mạnh mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Sơn đánh giá, nghề nuôi cá da trơn tại Tiền Giang vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh khó lường do giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống khác đều tăng mạnh trong những ngày qua.
Chia sẻ ý kiến trên, Chủ tịch xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) Đặng Văn Hận cho biết: "Tình hình nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Trong các năm trước, giá cá tra quá thấp, nông dân lỗ nặng, nhiều hộ phải treo ao hoặc chuyển ngành nghề khác kiếm sống. Hiện nay, tuy giá cá nguyên liệu có tăng nhưng giá thức ăn cũng tăng cao, khoảng từ 10 -20% so với năm trước nên hộ nuôi cá vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn”.
Do vậy, theo ông Hận, để nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển bền vững, các hộ nuôi cá phải liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân có lợi.
Tiền Giang hiện có khoảng 70 ha nuôi cá tra xuất khẩu; trong đó, tập trung nhiều nhất ở hai huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy, Cái Bè. Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè là địa phương có diện tích mặt nước nuôi cá tra theo quy mô công nghiệp lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Tại xã Hòa Hưng có hàng chục hộ có thâm niên nhiều năm liền nuôi cá tra trên tổng diện tích khoảng 15 ha.
Những năm trước đây, do giá cả bấp bênh, lỗ nhiều nên diện tích nuôi thực tế giảm mạnh. Còn hiện nay, tuy giá cá tra đang được cải thiện nhưng lo ngại đầu ra bấp bênh, nhiều hộ vẫn chưa mạnh dạn tái thả giống cho vụ nuôi mới. Để nghề nuôi cá tra tại Tiền Giang phục hồi một cách bền vững, tạo nguồn nông sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu ổn định cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành với những giải pháp tháo gỡ một cách phù hợp và khả thi.