Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 3: Kịch bản nào cho kinh tế thế giới hậu bầu cử Mỹ?

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã giải đáp nhiều câu hỏi quan trọng về định hướng chính sách kinh tế của Mỹ trong 4 năm tới.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ trải qua sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận thương mại quốc tế. Các đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong chiến dịch tranh cử cho thấy ông có thể tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, song song với giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, và thực hiện chính sách nhập cư cứng rắn hơn. Nếu Mỹ tăng từ 10% đến 60% thuế nhập khẩu, động thái này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại với các nước, đồng thời có thể kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Để cùng nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Ban Biên tập tin Kinh tế đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, nguyên Tham tán Trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. 

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về những điểm chính trong chính sách kinh tế-thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump?

Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa chính thức nhậm chức và đang hoàn thiện các nhân sự chủ chốt, vì vậy chưa thể có cái nhìn tổng quan về chính sách kinh tế-thương mại của ông trong nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự báo chính sách của chính quyền ông Trump dựa trên 5 nhân tố chính, gồm chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ trước; các tuyên bố của ông khi tranh cử; việc ông Trump dự kiến bổ nhiệm các nhân vật được cho là cứng rắn vào các vị trí trọng yếu về thương mại; việc đảng Cộng hòa nắm được cả Thượng viện và Hạ viện cùng với sự suy yếu của các thể chế kinh tế toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. 

Trên các cơ sở này, tôi cho rằng chính sách kinh tế-thương mại của chính quyền ông Donald Trump trong nhiệm kỳ hai sẽ tập trung một số điểm chính như sau. Thứ nhất, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục các hoạt động kinh tế thương mại sẽ xoay quanh ba mục tiêu lớn là đưa sản xuất trở lại nước Mỹ, tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ và giảm thâm hụt thương mại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai, Mỹ sẽ gây sức ép lên Trung Quốc và các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhằm tái cân bằng các mối quan hệ thương mại; đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại rất quan trọng với Mỹ là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Thứ ba, Mỹ sẽ đẩy mạnh các biện pháp đơn phương và song phương. Với các cơ chế đa phương, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy WTO cải tổ theo hướng có lợi hơn cho Mỹ. 

Thưa ông, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên tới 20% đối với các nước và 60% với Trung Quốc, điều này có thể tạo ra cơ hội và thách thức gì cho các đối tác thương mại lớn đồng thời cũng là các đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)? 

Đối với Trung Quốc, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 60% có thể khiến Trung Quốc giảm thị phần tại Mỹ, đồng thời có sự dịch chuyển đầu tư của các công ty quốc tế dựa vào Trung Quốc trong chuỗi cung để tránh mức thuế cao. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tự lực công nghệ, thúc đẩy thị trường trong nước, đồng thời mở rộng thị trường với các đối tác khác. 

Đối với các đối tác thương mại lớn khác của Mỹ như EU, thị phần các mặt hàng xuất khẩu của khối này, đặc biệt là hàng xa xỉ, rượu vang, ô tô, tại thị trường Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. EU sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh hơn từ các nước muốn tận dụng các cơ hội thị trường ở Mỹ. Đồng thời, liên minh có thể đứng trước nguy cơ chiến tranh thương mại do tác động qua lại của các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, EU cũng có cơ hội mở rộng thị phần đặc biệt đối với các lĩnh vực đang là thế mạnh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ như hàng tiêu dùng, đồ điện tử… hoặc các sản phẩm ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan như dịch vụ và phần mềm. Bên cạnh đó, EU có cơ hội thúc đẩy thương mại nội khối và mở rộng cơ hội với các đối tác khác, đổi mới công nghệ cũng như cấu trúc xuất khẩu.     

Biện pháp thuế quan và các biện pháp mang tính bảo hộ khác của chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có dẫn tới một cuộc chiến thương mại mới và khi đó kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ và hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Chính sách kinh tế-thương mại của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump trong nhiệm kỳ hai nếu được thực hiện một cách cực đoan thì có thể dẫn đến chiến tranh thương mại toàn cầu. Khi đó, kinh tế thế giới sẽ suy giảm và thậm chí có nguy cơ suy thoái, tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội gia tăng, thương mại toàn cầu xuất hiện sự phân mảnh và các chuỗi cung dịch chuyển. 

Thị trường tài chính sẽ rơi vào tình trạng bất an. Thị trường chứng khoán dao động mạnh trước các thông tin về đàm phán thương mại hoặc thuế quan. Các nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi cổ phiếu để tìm đến các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ. 

Thị trường tiền tệ có thể chứng kiến việc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc bơm thanh khoản để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.

Thị trường hàng hóa sẽ có sự dịch chuyển đa dạng khi các sản phẩm cuối cùng không đổ về Mỹ. Nhiều chuỗi cung nguyên liệu hoặc bán thành phẩm có thể sẽ không đi qua Trung Quốc. Các chuỗi cung sẽ gặp khó khăn hơn trong việc vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm qua biên giới, bởi nếu chiến tranh thương mại toàn cầu diễn ra, các biện pháp bảo hộ sẽ gia tăng.

Theo ông, các chính sách kinh tế, thương mại của ông Trump sẽ tạo ra những thuận lợi cũng như khó khăn gì cho Việt Nam? 

Chính sách kinh tế và thương mại của ông Trump có thể sẽ khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành mục tiêu bị áp thuế, do Việt Nam có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ. Nhu cầu của thị trường Mỹ về nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể giảm, trong bối cảnh hàng hóa sản xuất tại Mỹ gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng xu hướng dịch chuyển về sản xuất và sự thiếu vắng hàng hóa của Mỹ và một số nước khác để gia tăng thị phần hàng hóa tại Mỹ, đồng thời thu hút thêm đầu tư và công nghệ. 

Nhìn chung, quan hệ thương mại Việt - Mỹ có thể ví như đi trên con đường lớn, phía trước là một khúc quanh, mà chúng ta chưa biết sẽ là bằng phẳng hay gập ghềnh. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần chuẩn bị đủ năng lượng không chỉ để vượt qua khúc quanh phía trước mà còn con đường dài phía sau. Do đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thực hiện các điều hành linh hoạt để giảm nguy cơ bị tác động tiêu cực từ các chính sách của Mỹ, đồng thời tiếp tục thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài 4: Xu hướng lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ và phi toàn cầu hóa

Như Mai (TTXVN)
Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài cuối: Khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu
Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài cuối: Khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu

Với tiến trình hội nhập đã và đang diễn ra, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang không ngừng được nâng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN