Thưa ông, qua hàng loạt các vụ lừa đảo thương mại quốc tế thời gian qua cho thấy thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, với kinh nghiệm là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhiều năm, ông có thể chia sẻ một số thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế?
Trong hoạt động thương mại quốc tế, tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản (hàng, tiền) của các đối tác, bạn hàng khá phổ biến. Theo thời gian, các hoạt động này diễn ra ngày càng tinh vi hơn.
Trong vài năm trở lại đây, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn, với đa dạng thức như giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu...
Các doanh nghiệp này còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…
Ông có thể chia sẻ một số vụ việc lừa đảo thương mại mà VIAC đã xử lý trong thời gian qua?
Lừa đảo thương mại quốc tế rất đa dạng. Thời gian qua, chúng tôi nhận được thông tin từ doanh nghiệp Việt Nam mua lô hàng từ quốc tế là tàu hàng hoá gồm 8.000 tấn hàng với giá trị lớn có dấu hiệu lừa đảo. Qua xem xét và kiểm tra thì phát hiện dấu hiệu lừa đảo và khuyến nghị doanh nghiệp không nên thanh toán. Cuối cùng phát hiện họ chuyển hàng giả, sử dụng chứng từ giả. Do đó, doanh nghiệp cũng tránh được thiệt hại.
Hay vừa rồi, một doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vài trăm triệu đồng nhưng khi tôi tư vấn doanh nghiệp nên kiểm tra doanh nghiệp đối tác. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam gọi điện trực tiếp cho đối tác xem hình ảnh văn phòng và yêu cầu đối tác cho xem văn phòng, kho hàng của đối tác. Sau khi doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu như vậy thì doanh nghiệp đối tác không làm việc nữa, chứng tỏ có dấu hiệu lừa đảo.
Một câu chuyện khác, đó là 3 doanh nghiệp đến chỗ chúng tôi tư vấn thì phát hiện ra cả 3 doanh nghiệp này đều đang bị một người lừa với phương thức giống hệt nhau. Hiện những vụ việc này chúng tôi vẫn tư vấn hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp.
Còn trong vụ việc 5 container tiêu, điều xuất khẩu đi Dubai nghi bị lừa đảo, các doanh nghiệp thường sử dụng hình thức nhờ thu hộ (D/P) để giao dịch với khách. Tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán gửi tới ngân hàng người mua, sau đó người mua thanh toán tiền. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây cũng là một “chiêu” lừa điển hình mà doanh nghiệp cần phải quan tâm.
Qua những vụ việc này, ông thấy doanh nghiệp Việt còn “yếu” và “thiếu” ở những điểm nào? Ông có thể đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp?
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế, ít có kinh phí thuê tư vấn… Trong khi đó, các chiêu trò ngày càng tinh vi nên doanh nghiệp dễ “dính bẫy”.
Nhiều doanh nghiệp nghiên cứu thương nhân còn sơ sài. Có những doanh nghiệp thấy đối tác ăn mặc lịch sự, chưa gì đã mời các bạn đi thăm nước chúng tôi chịu hết chi phí. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam bỏ hết khâu kiểm tra doanh nghiệp, rồi cuối cùng đó là công ty lừa đảo.
Thứ 2, các điều khoản hợp đồng của nhiều doanh nghiệp hiện nay quá sơ hở. Trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài làm hợp đồng rất dày thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm hợp đồng chỉ 1-2 mặt tờ giấy, như thế quá lỏng lẻo và không thể đảm bảo được quyền lợi của doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc tương tác giữa các doanh nghiệp trong ngành còn thấp, nhiều khi các doanh nghiệp còn sợ “mất mối” nên không trao đổi với nhau, dẫn đến khi bị lừa mới tá hoả bị cùng một chiêu trò, thậm chí cùng 1 người lừa.
Để tránh “dính bẫy” lừa đảo thương mại, doanh nghiệp nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu (tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất). Có thể kiểm tra qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh (bản mềm, có màu) của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng.
Doanh nghiệp nên gọi điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty (có thể kết hợp với địa chỉ thư điện tử công cộng) để dễ dàng hơn khi xác định người, công ty sau này vì họ phải đăng ký dịch vụ điện thoại để bàn, thư điện tử riêng (không phải công cộng) ở nước sở tại. Nên đưa vào hợp đồng tên người liên hệ, số fax, địa chỉ email của công ty khi giao dịch chính thức. Thực tế đã có vụ lừa đảo, chỉ dùng điện thoại di động, cảnh sát nước sở tại cho biết không xác định được chủ thuê bao là ai, ở đâu - người viết đã trực tiếp cùng đi tìm kẻ lừa đảo ở một nước ở Đông Nam Á trong vụ việc này.
Doanh nghiệp nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng, nhiều doanh nghiệp ngại thuê do chưa quen, hoặc sợ tốn kém nhưng thực tế cho thấy, so với tổn thất thì không đáng là bao và phải coi đây là "đầu tư cho kiến thức" để tránh rủi ro chứ không phải là "chi phí" của doanh nghiệp, và nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.
Nên cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, tham gia hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài.
Các doanh nghiệp nên dùng Trọng tài giải quyết tranh chấp thay cho Toà án như các doanh nghiệp trong vụ việc này đã thoả thuận trong hợp đồng để linh hoạt và nhanh chóng khi sự việc xảy ra. Phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như trong vụ việc này để hạn chế hoặc tránh thiệt hại.
Cùng với đó, nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn (trong trường hợp dùng 1 bộ vận đơn), giao bộ chứng. Chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác có đặt cọc một số tiền nhỏ để giảm thiệt hại khi người mua không nhận hàng; thông thường khoảng 10% trị giá lô hàng. Việc này là hợp lý kể cả trong trường hợp người mua mua theo điều kiện FOB (FCA).
Không cho người mua biết tên hãng chuyển phát bộ chứng từ mà chỉ cho họ biết khoảng thời gian cần liên hệ với ngân hàng nhờ thu để thanh toán tiền hàng, nhận chứng từ. Việc này cũng không có gì là không thể chấp nhận vì đó không phải việc của người mua.
Sau khi bị lừa đảo, doanh nghiệp nên thông báo cho bạn hàng, Hiệp hội mà mình tham gia để phòng tránh chung (có thể không nêu tên công ty bị lừa); gửi thông tin cho hiệp hội mà kẻ lừa đảo là hội viên (nếu có) để tố cáo; bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có.
Trân trọng cảm ơn ông!