Hiện, Việt Nam chưa có chế tài xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc, việc đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành, cơ quan liên quan thì hành lang pháp lý sẽ được chuẩn hóa và các thành phần tham gia hoạt động truy xuất nguồn gốc đều phải thực thi nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Công cụ quản lý, kiểm soát hàng hóa
Tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt" mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Để đón đầu xu thế, đẩy mạnh quản lý, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, Chính phủ đã ban hành Đề án 100/QĐ-TTg 2019 về truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, để thông tin liên quan đến truy xuất nguồn gốc của sản phẩm đầy đủ nhất theo kịp tiêu chuẩn quốc tế, chủ động đáp ứng được yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc từ các thị trường khác nhau một cách nhanh chóng, ngày 21/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Trước thực tế, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi dịch COVID-19, việc chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh được xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển. Theo đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc cũng được đẩy mạnh, với việc ứng dụng nền tảng số, giải pháp số tạo đột phá và thúc đẩy nhanh hoạt động truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, hoạt động về truy xuất nguồn gốc đang rất phát triển và xây dựng từ rất nhiều ý tưởng nhưng với mong muốn của Chính phủ cần thống nhất quản lý và phân vai các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia vào hoạt động quản lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia hoạt động ứng dụng và hỗ trợ nhà nước trong thực hiện quản lý, từ đó đưa ra hệ thống quản lý chuẩn hóa, minh bạch, phục vụ người dân.
Mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là đạt được tối thiểu 30% các doanh nghiệp sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, với trách nhiệm là cơ quan được giao, Bộ đã xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án, triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, trong năm 2022, hoàn thiện đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia đảo đảm số hóa chuỗi giá trị các sản phẩm hàng hóa, kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc
Cũng tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt", ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Trước thực trạng dữ liệu truy xuất nguồn gốc không tập trung, mỗi doanh nghiệp cung cấp giải pháp lưu trữ cơ sở dữ liệu riêng nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, cần xây dựng và quản lý các hệ thống truy xuất nguồn gốc có khả năng liên thông với nhau, việc áp dụng những công cụ để số hóa chuỗi giá trị sản phẩm và sử dụng các ưu thế của truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thông tin truy xuất nguồn gốc hiện không đáp ứng các nguyên tắc do không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng; không đủ phần tử dữ liệu chính và thông tin còn không chính xác. Chính vì vậy, ông Bùi Bá Chính cho rằng, cần đẩy mạnh công truyền thông để người dân hiểu và phân biệt rõ sự khác nhau giữa mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc bởi truy xuất nguồn gốc là cả một hệ thống, cả một chuỗi còn mã số mã vạch chỉ là định danh, mã hóa trong từng quá trình.
Thực tế, tại Việt Nam, việc sử dụng mã số mã vạch in lên bao bì sản phẩm truyền thống đã được thực hiện hơn 20 năm nay và mã số, mã vạch được cấp giống như cấp mã số cho điện thoại, tuân theo tiêu chuẩn toàn cầu. Hiện nay, cả nước có 57.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã đăng ký sử dụng mã số mã vạch để in lên sản phẩm. Đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm là làm trên toàn chuỗi hình thành nên sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, song trong quá trình xây dựng, Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị chủ trì và tham mưu phối hợp với các bộ, ngành cùng xây dựng các hành lang pháp lý, các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa, sản phẩm.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, Việt Nam hướng tới sản xuất sản phẩm, hàng hóa giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, khẳng định thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu, việc kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ góp phần trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt Nam, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt", bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết việc ứng dụng công nghệ số trong lưu thông hàng hóa là một bước tiến cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam, đó là hệ sinh thái xúc tiến thương mại số Decobiz. Hệ sinh thái này là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như: Hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, tư vấn - huấn luyện trực tuyến… Theo đó, những tiêu chí trong hoạt động thương mại và xuất khẩu hàng hóa như truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được tích hợp trong hệ sinh thái này.
Ngoài việc xây dựng các tiêu chuẩn, các hành lang pháp lý như thông tin, nghị định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia đảm bảo vai trò kết nối hai chiều giữa các bộ, ngành... đối với các sản phẩm, hàng hóa Chính phủ yêu cầu ưu tiên truy xuất nguồn gốc. Ngoài kết nối với các bộ, ngành, địa phương cổng thông tin còn tạo cơ sở dữ liệu cập nhật và bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lực, chính sách...