Theo tác giả bài viết, xu hướng chuyển dịch dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng đã mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển và hội nhập sâu như Việt Nam.
Dựa trên nhận định của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ông Pranay Verma tại hội thảo trực tuyến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (PHDCCI) tổ chức về Cơ hội đầu tư và thương mại toàn cầu cho ngành công nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, bài viết cho rằng Việt Nam đang vươn mình trở thành "con hổ mới ở châu Á" về tăng trưởng kinh tế. Theo Đại sứ Pranay Verma, Việt Nam và Ấn Độ đang nổi lên như những cường quốc kinh tế trong khu vực sẽ tạo ra sự khác biệt trong thời hậu đại dịch COVID-19.
Tờ báo Ấn Độ đánh giá cao những cải cách mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện với chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cởi mở, đặc biệt là cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản cũng như cổ phấn đa số trong các công ty ở Việt Nam, gây dựng lòng tin ở các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia. Trong khảo sát do Công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA thực hiện, 43% số người được hỏi ở Mỹ đánh giá Việt Nam là thị trường “an toàn”, “hấp dẫn”.
Tác giả dẫn báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam chỉ rõ dù khu vực kinh tế phía Nam - đầu tàu kinh tế của đất nước bị ảnh hưởng do COVID-19- xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực. Theo Bộ Công Thương tổng kết các số liệu liên quan công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 6/2021. Tuy tháng 7 giảm do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhiều tỉnh thành phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cùng nhiều biện pháp hạn chế khác, tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính vẫn ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số 500 tỷ USD dự kiến sẽ sớm đạt được trong vài tháng tới nếu đà tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn được duy trì tích cực.
Đại sứ Verma cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, trong đó có thách thức liên quan đến sự gián đoạn trong sản xuất, chuỗi cung ứng, hậu cần. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có hàng loạt cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ, thực tiễn kinh doanh, quan hệ thương mại, đa dạng hóa đối tác nhờ vào các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết.
Bài viết còn đề cập đến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời mà cả Việt Nam và Ấn Độ cần tận dụng để đẩy mạnh phát triển. The Economics Times dẫn báo cáo quý II của QIMA cho thấy, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là các nguồn cung ứng thay thế bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 được xem là những cú sốc đối với tất cả các lĩnh vực đời sống - kinh tế - thương mại - đầu tư, qua đó càng đẩy mạnh nhu cầu giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giao thương quốc tế cũng đòi hỏi có những điều chỉnh nhất định về các “mắt xích” thiết yếu trong chuỗi cung ứng.
Bài viết nhắc lại phát biểu của Đại sứ Verma, trong đó cho rằng Ấn Độ và Việt Nam cần phải tận dụng sức mạnh kinh tế để gia tăng quan hệ kinh doanh giữa hai quốc gia đồng thời tận dụng chuỗi giá trị toàn cầu của đôi bên để sử dụng mạng lưới thương mại song phương cùng có lợi. Theo đó, Đại sứ Verma kiến nghị cần phải xem xét thị trường trong nước, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi có thể mang lại cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ điện tử, thanh toán điện tử sẽ giúp tăng trưởng kinh doanh và thúc đẩy sự tham gia các giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), kết nối các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).