Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Một trong những nguyên nhân được xác định là do liên kết kinh tế vùng còn hạn chế, nhất là liên kết kinh tế nội vùng, các chủ thể liên quan như địa phương, doanh nghiệp, người dân chưa chặt chẽ, lỏng lẻo, thâm chí còn tách rời nhau.
Liên kết còn lỏng lẻo
Từ năm 2011, mô hình cánh đồng lớn (trước đây gọi là cánh đồng mẫu lớn) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động xây dựng và nhân rộng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cánh đồng lớn được đánh giá là mô hình rất hiệu quả trong liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Tuy diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở cấp độ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm dần do quá trình liên kết sản xuất lúa vẫn còn những khó khăn.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích thực hiện Cánh đồng lớn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 160.000 ha, giảm 20.000 ha so với vụ Đông Xuân 2020-2021. Theo Cục Trồng trọt, diện tích cánh đồng lớn giảm dần do quá trình liên kết sản xuất lúa vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Cụ thể, do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho chứa. Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua nhưng vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp thu mua không kịp thì nông dân bán ra thương lái bên ngoài, sự biến động giá cả cảnh hưởng đến việc thu mua.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa có một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Hợp đồng liên kết chưa rõ ràng với người nông dân; không có thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ, tạp chất; thiếu chế tài khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, các bên dễ vi phạm hợp đồng. Mặt khác, trong sản xuất chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp…
Nguyên nhân do sản xuất lúa tại nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ và nông dân chưa gắn kết chặt với nhau và thiếu sự chủ động trong tìm kiếm các đối tác và doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ đầu ra. Các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại nhiều nơi cũng chưa đảm bảo tốt và còn có ít doanh nghiệp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Là doanh nghiệp đi đầu trong việc liên kết thực hiện cánh đồng lớn, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá, mô hình cánh đồng lớn đã mang lại các hiệu quả rất tốt nhưng chậm nhân rộng và phát triển bởi còn vướng "nút thắt" về nguồn vốn, trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp hạn chế. Muốn phát triển cánh đồng lớn, nguồn vốn là quan trọng quyết định đầu tiên bởi mô hình đã có rồi, sự liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ, bộ ngành Trung ương và địa phương khuyến khích, nông dân muốn tham gia, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nguyên liệu trong cánh đồng lớn để ổn định kinh doanh.
Ðể thúc đẩy phát triển cánh đồng và các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, chuyên gia và doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành chức năng tiếp tục quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng, thủy lợi đồng bộ. Cùng với đó, cần kịp thời nâng cao tính pháp lý và có giải pháp đảm bảo thực thi nghiêm các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan. Phát huy vai trò của từng tác nhân trong chuỗi liên kết, tạo sự tin tưởng nhau để cùng đi chung "con thuyền"; trong đó chú ý gắn kết cả lực lượng thương lái vào chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Câu chuyện "bài toán chia"
Tại diễn đàn Mekong Connect 2021 - Liên kết phát triển TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào cuối tháng 12/2021 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra rằng về tư duy liên kết vùng, 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem Đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh, thành thì mọi việc sẽ khác.
Là một người con của đồng bằng, trưởng thành và tham gia lãnh đạo địa phương ở đây trong thời gian dài, ông Lê Minh Hoan thấu hiểu được những hạn chế của vùng đất này. Ông nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long không thiếu đất mà đang thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Vì vậy, các tỉnh, thành cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương. Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới "hợp tác và liên kết".
Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận, chúng tôi nhận thấy qua báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 và những năm trước, các khuôn khổ thể chế hành chính không những không khuyến khích, không hỗ trợ liên kết vùng mà còn là sự chia cắt. Ví dụ vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với 4 tỉnh, thành (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ) và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ lại có Long An, Tiền Giang. Như vậy, nội tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bị chia cắt, bên cạnh đó hệ thống chỉ số kinh tế cũng chọn địa phương là đơn vị tính toán các chỉ số quan trọng như GDP. Do đó, các địa phương đua nhau về thành tích là GDP, thành tích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu…
Theo Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, chính vì tỉnh nào cũng lo cho mình như vậy, nên không quan tâm đến thành quả kinh tế các tỉnh xung quanh, của vùng, đặt mình vào thế cạnh tranh nhiều hơn hợp tác, đặc biệt là kinh tế. Trong khi thách thức lại là thách thức của cả vùng: biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng và số lượng nước, tài khóa xóa đói giảm nghèo, như tạo công ăn việc làm cho lao động đồng bằng. Và đại dịch vừa rồi cho thấy hàng triệu người đã bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. "Thách thức thì chung mà hợp tác lại hạn chế, tất cả các cơ chế từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trước đây đến vùng kinh tế trọng điểm hiện nay vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra", Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.
Dưới góc nhìn tổng thể hơn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một trong những nguyên nhân liên kết vùng thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do chưa có cơ chế liên kết, điều phối vùng, dẫn đến một số địa phương gặp phải vấn đề "xung đột lợi ích", chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể của cả vùng, mà cát cứ, cục bộ, "mạnh ai nấy làm" nên xảy ra tình trạng không những không liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển, mà trái lại, còn làm giảm động lực tăng trưởng, không khai thác, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của cả vùng.
Có thể nói, câu chuyện từ thực tế triển khai cánh đồng lớn, "bài toán chia" đề cập ở trên chỉ là 2 trong số rất nhiều vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện liên kết vùng, liên kết giữa các chủ thể liên quan để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng hiện nay. Qua đó, cũng dễ dàng nhận thấy rằng, không thể thúc đẩy sự liên kết với nhau nếu câu chuyện "bài toán chia", cơ chế kết dính còn lỏng lẻo được trong thời gian tới.
Bài 3: Những nút thắt lớn cần tháo gỡ