Với sự hữu hạn về các nguồn lực như tài nguyên, lao động, tài chính, công nghệ… trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trước những tác động từ trình trạng biến đổi khí hậu, để đạt mục tiêu phát triển, từng địa phương, từng vùng không thể đứng ngoài bước đi có tính tất yếu này.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta nói chung, các bộ ngành và các địa phương nói riêng đã có nhiều chủ trương, chính sách cũng như các giải pháp để tăng cường, thúc đẩy hoạt động liên kết vùng. Tuy nhiên, vấn đề liên kết vùng, phát triển vùng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.
Từ thực tế tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long trong việc thực hiện liên kết vùng, liên kết nội vùng, TTXVN có chùm bài viết ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập còn tồn tại cũng như gợi mở những giải pháp để tăng cường liên kết vùng, hướng đến liên kết phát triển.
Bài 1: Tầm nhìn mới cho chiến lược phát triển vùng
Phát triển vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với từng vùng mà còn đối với cả nước. Trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa phương trong vùng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Vấn đề có ý nghĩa chiến lược
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định chủ trương: Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư; các chính sách kinh tế-xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc.
Và gần đây nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã đề ra chủ trương: "Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...
Văn kiện cũng nêu rõ: Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng" và "Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng. Tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện có hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý, phát triển vùng".
Nghị quyết 57/NQ-CP của Chính phủ ngày 22/4/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, cũng nêu rõ: Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện các đại hội VIII, X và XI, mới đây nhất là Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết:
Cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển vùng của Đảng, trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và 2020.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối với Đồng bằng sông Cửu Long sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của Vùng; tư duy về phát triển vùng đã có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của Vùng đã từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Yêu cầu cấp thiết
Liên kết vùng, phát triển vùng được xem là một chiến lược quan trọng, tuy nhiên, kết quả triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như nhiều chương trình, đề án, kế hoạch của các bộ ngành, địa phương của các vùng kinh tế trọng điểm thời gian qua vẫn chưa được như mong muốn.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế-xã hội của vùng vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hiện Vùng đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rủi ro từ việc hợp tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm "ngủ yên," đã được "đánh thức" vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới "thức dậy" mà chưa vươn lên mạnh mẽ; người dân nơi đây phần lớn chỉ mới "đủ ăn" mà chưa khá giả; mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước; vùng đất màu mỡ, trù phú xưa kia đang bị khát và khô hạn do thiếu nước; độ phì nhiêu của đất bị suy giảm do thiếu phù sa bồi đắp; những con người sinh ra, lớn lên trên vùng sông nước miền Tây, giờ phải tiết kiệm, có lúc phải chia sẻ từng xô, từng thùng nước ngọt. "Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để Đồng bằng sông Cửu Long "đứng dậy" làm chủ và "vươn lên" mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Dưới góc độ thể chế chung cho các vùng trong cả nước, Nghị quyết 57/NQ-CP của Chính phủ cũng chỉ rõ, thể chế liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực thi; vai trò của chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là chính quyền trung ương, còn mờ nhạt; và cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất.
Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng như: các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch; liên kết đầu tư phát triển; liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng... chưa được triển khai một cách đầy đủ.
Từ thực tiễn liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Liên kết cùng phát triển TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long là nhu cầu cấp thiết. TP Hồ Chí Minh muốn cùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng ngồi lại bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung, gắn bó cùng nhau phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong quá trình phát triển kinh tế của mình, TP Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Với "địa kinh tế" của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, trong thời gian qua, trong quá trình phát triển của mình, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ cũng đã sử dụng cách tiếp cận "liên kết vùng" để nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại, hạ tầng giao thông.
Điển hình mới đây nhất là triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHồ Chí Minh được đặt trong bức tranh chung về sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Với vị trí trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của Vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang TP Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của Vùng.
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặt biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Với các ý nghĩa nêu trên, có thể thấy vấn đề liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm và có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển vùng, liên kết vùng. Và qua thực tế trên khai, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng đã tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra các chủ trương, chính sách mới liên quan đến liên kết vùng để phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.
Bài 2: Thách thức từ 'mạnh ai nấy làm'