Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống trong tuần này do đồng rupee suy yếu xuống mức thấp trong 9 tháng qua, trong lúc các nhà xuất khẩu lại lo ngại rằng các lô hàng sắp tới có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng xấu đi. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do chất lượng vụ lúa trong nước thấp hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong ba tháng, giao dịch ở mức 8-392 USD/tấn so với mức 390-395 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho hay, nhu cầu xuất khẩu tương đối tốt, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng trong tuần tới nếu số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay.
Ấn Độ đã báo cáo kỷ lục 200.739 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Theo chủ các doanh nghiệp, việc các bang áp đặt biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 485-495 USD/tấn trong phiên ngày 15/4, mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020, so với mức 495-500 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá gạo giảm do chất lượng vụ lúa Đông-Xuân giảm dần vào cuối vụ thu hoạch. Các nhà xuất khẩu cho biết họ đang tập trung hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó và dự kiến sẽ không ký thêm hợp đồng mới vì chi phí vận chuyển cao.
Thị trường gạo Thái Lan đóng cửa trong tuần này do nghỉ Tết Thái Lan.
Thị trường nông sản Mỹ
Thị trường nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 17/4), khi giá ngô và lúa mỳ sụt giảm, còn giá đậu tương tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 giảm 4,5 xu Mỹ (0,76%) xuống 5,855 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2021 hạ 0,5 xu Mỹ (0,08%) xuống 6,55 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 7/2021 lại tăng 11,5 xu Mỹ (0,82%) lên 14,225 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá lúa mỳ và ngô giảm do hoạt động bán ra chốt lời, trong khi giá đậu tương tăng nhờ triển vọng về tỷ lệ xay nghiền giảm. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết các nhà chế biến đậu nành của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thay thế hàng tồn kho, dẫn đến việc xay nghiền và sản xuất thấp hơn.
Bên cạnh đó, Nga sẽ hạn chế hoạt động của các tàu ở phía Đông Biển Đen từ tháng 11/2021. Các thị trường trên thế giới theo dõi sát sao các diễn biến chính trị và bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ có tác động đến giá lúa mỳ thế giới nói chung và lúa mỳ Mỹ nói riêng.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực đồng bằng Bắc Mỹ và Tây Bắc Midwest sẽ có ít mưa trong tháng 5/2021. Tình trạng khô hạn ngày càng tồi tệ hơn tại khu vực Bắc Dakota cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo hạt cho đến đầu tháng 5/2021. Cả khu vực thảo nguyên Canada và đồng bằng phía Bắc Mỹ đều cần mưa để tăng độ ẩm cho đất.
AgResource cho biết tỷ lệ gieo trồng vụ lúa mỳ Đông của Mỹ dự kiến sẽ được duy trì hoặc giảm nhẹ. Theo AgResource, tình hình thời tiết và quy mô cây trồng hiện là nguyên nhân ảnh hưởng đến giá nông sản. Tình hình thời tiết khô hạn ở Brazil và miền Trung Mỹ cũng sẽ được theo dõi sát sao vào đầu tuần tới.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/4, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London giảm 9 USD/tấn xuống 1.0 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 trên sàn New York giảm 3,5 xu Mỹ/pound ở mức 131,2 xu Mỹ/pound. (1 pound = 0,453592kg)
Giá cà phê Việt Nam ngày 17/4 giao dịch trong khoảng 31.800 - 32.700 đồng/kg.
Trong phiên cuối tuần, giá cà phê sụt giảm do sự điều chỉnh kỹ thuật rõ ràng trên cả hai sàn giao dịch ở Mỹ và Anh, khi New York đã có chuỗi tăng khá ấn tượng trong mấy ngày vừa qua, còn London tăng không tương ứng nên biên độ chênh lệch khá cao, đã đưa giá cà phê Arabica vào thế bất lợi.
Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ cho biết lượng tồn kho giảm 1,92% trong tháng 3/2021, xuống ở mức 5.679.162 bao, điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê có phần nào khởi sắc trở lại ở khu vực Bắc Mỹ.