Theo đó, áp dụng mô hình này tiết kiệm khoảng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với truyền thống. Hiện, trong tỉnh có nhiều phương tiện bay không người lái là ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và Tam Nông. Giúp nhà nông sản xuất lúa, sen, cây trồng khác tránh độc hại và phun thuốc bảo vệ thực vật nhanh hơn gấp 10-15 lần so với phun, xịt truyền thống.
Điển hình như ở huyện Tam Nông, hơn 10 thiết bị bay không người lái, giúp phun thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích hơn 20 ngàn ha của huyện. Theo ông Hồ Quốc An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết, ý tưởng hình thành mô hình ở huyện năm 2019, vì trong quá trình canh tác lúa, khâu phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật là giai đoạn duy nhất bắt buộc phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vấn đề này không những ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh.
Trước xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp, việc áp dụng phương tiện bay không người lái phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật đã cho thấy nhiều lợi ích. Phương tiện bay không người lái trong canh tác sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, mà quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Hồ Quốc An, hiệu quả mang lại là giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch, không giẫm đạp lúa trong quá trình phun nên tăng thêm sản lượng lúa từ 150 - 200 kg/ha và ít tốn công lao động, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
Điền hình ở huyện Tháp Mười có anh Nguyễn Hoàng Tú, ở xã Thạnh Lợi đã mạnh dạn đầu tư mua 2 phương tiện bay không người lái, với số tiền 1,4 tỷ đồng để làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh Tú cho biết, hiện nay nhân công phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, cây sen, hay các loại cây trồng khác ngày càng khan hiếm, nên anh Anh Tú mạnh dạn đầu tư máy làm dịch vụ . Với phương tiện không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật giúp liều lượng thuốc phun được bám đều trên lá lúa, cây sen…phun đồng đều.
Trước đây, nhân công xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng bình đeo sau lưng nhiều khi phun xịt bỏ sót diện tích hoặc xịt không đều. Công suất máy bay của anh Tú hoạt đồng 1 giờ phun xịt từ 7-10 ha lúa. Giá công mỗi ha phun xịt từ 150-200 nghìn đồng. Anh Tú tâm sự thêm, bà con trong vùng khi cây lúa, cây sen và các loại cây trồng khác bị dịch bệnh phát triển nhanh, chỉ cần sử dụng phương tiện bay không người lái này giúp kịp thời dập dịch bệnh trên cây trồng, máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật hoạt động được cả ngày lẩn đêm trên mọi địa hình. Máy bay có tổng trọng lượng 40 kg; trong đó, chứa 15 lít thuốc để phun xịt.
Vừa qua, tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, Tiến sĩ Vũ Ngọc Ánh - Trưởng khoa Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và nhóm nghiên cứu đã trình diễn phương tiện bay không người lái phun thuốc trừ sâu mang tên NOBA AQ10. Nhóm nghiên cứu đã cho bay phun trình diễn trên 2.000 mét vuông chanh của một nhà vườn ở ấp Bình Linh, qua đó thiết bị này là phun thuốc trừ sâu, ngoài ra có thể điều chỉnh để thực hiện việc gieo hạt, bón phân dạng lỏng hoặc rắn. Máy bay có thể chở tối đa 15 kg thuốc, tốc độ phun khoảng 0,5 - 1 ha trong 10 phút. Bằng đầu phun nhỏ, thuốc trừ sâu được tán ra thành những hạt nhỏ.
Nhóm nghiên cứu ước tính 10 kg dung dịch thuốc đặc có thể phun cho 1 ha với hiệu suất thời gian gấp 50 lần cách phun thuốc bằng tay và từ 2 - 5 lần so với sử dụng máy kéo. Độ cao phun so với cây trồng được lập trình hoặc điều khiển. Máy có khả năng phun thuốc ở vùng cao tới 1.000 m so với mực nước biển.
Ông Lê Văn Rạng, ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười trồng gần 2 ha sen cho biết, trước đây, ông trồng sen phải phun xịt thuốc bằng bình xịt vác vai, xịt thuốc cho 1 ha phải mất 3-4 giờ, vừa lâu, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng giờ đây thuê phun xịt thuốc cho cây sen bằng phương tiện bay không người lái rất thuận tiện cho người trồng, giảm 50% lượng thuốc, nhưng hiệu quả cao hơn phun thuốc thủ công, đồng thời giúp giảm được độc hại cho người khi phun xịt bằng thủ công.
Việc áp dung tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững ở tỉnh Đồng Tháp. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng đưa vào sản xuất, và hiện nay nhiều hộ tư nhân đầu tư phương tiện bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, cây sen và các loài cây trồng khác mang hiệu quả cao, đang được nhân rộng ra nhiều nơi.