Ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn - Bài cuối: Kỳ vọng từ con tôm

Bến Tre có đường bờ biển dài 65km, đây là đặc điểm khiến Bến Tre chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn khốc liệt trong suốt thời gian qua, nhưng cũng chính là ưu điểm để có chiến lược phát triển ngành nuôi thủy sản trong các kế hoạch chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát huy điểm này, ngay trong Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre bền vững về hướng đông giải đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, nêu rõ phát triển ngành thuỷ sản trở thành một trong những ngành kinh tế biển chủ lực, trong đó con tôm trở thành trọng tâm phát triển của ngành. 

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Trần Hữu Trường, ấp Thạnh Hưng, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hồng Đạt /TTXVN

Phát triển vùng tôm công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển nghề nuôi tôm nước lợ ở các địa phương ven biển thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo kế hoạch này, tỉnh Bến Tre xây dựng chương trình phát triển thủy sản, kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, trong đó huyện Bình Đại 2.000 ha, Thạnh Phú 1.500 ha và huyện Ba Tri 500 ha.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre chia sẻ, theo phương án quy hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 36.800 ha, trong đó, nuôi tôm công nghệ cao 4.000 ha, thâm canh/bán thâm canh 11.500 ha, quản canh cải tiến 21.300 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh xen ghép 6.000 ha. Tổng sản lượng tôm đạt hơn 213.000 tấn, sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 60% nhu cầu nuôi của tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm tập trung (thâm canh, siêu thâm canh) đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ hoặc các chứng nhận tương ứng (GlobalGap, ASC, BAP,…) đạt khoảng 50%. Giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Về định hướng phát triển, Bến Tre xây dựng vùng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gắn với truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tỉnh cải tiến quy trình nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao và bảo vệ môi trường sinh thái... 

Chính vì điều này, tỉnh Bến Tre đã có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện có biển của tỉnh thông qua Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động Ban quản lý vùng nuôi thủy sản (hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Bến Tre; có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. 

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre  phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai ứng dụng nền tảng Map4D GIS Platform để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900 ha vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000 ha theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý, giám sát và tối ưu quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nhựa lót bạt 3 giai đoạn tại tỉnh Bến Tre, nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tiếp tục duy trỳ hoạt động của 91 Ban Quản lý vùng nuôi tôm nước lợ và đang triển khai vận động thành lập hợp tác xã công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú có quy mô 100 ha.

Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú chia sẻ, địa phương đang tập trung vận động nuôi tôm công nghệ cao với diện tích khoảng 800 ha. Đây là mô hình nuôi tôm rất hiệu quả, đạt chất lượng cao, có thể xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Sản lượng nuôi tôm công nghệ cao hiện đạt mức cao khoảng 40 tấn/ha/năm, gấp 3,5 lần nuôi tôm thâm canh và gấp 20 lần nuôi tôm bán thâm canh.

Hiệu quả kinh tế đầy kì vọng 

Với giải pháp sản xuất ứng dụng nền tảng Map4D GIS Platform để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900 ha vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, con tôm công nghệ cao hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi, tất cả các khâu sản xuất từ tôm giống đến tôm thương phẩm đều được quản lý chặt chẽ qua những thông số biến đổi nhỏ nhất. Bằng cách quan sát thông số này, người nuôi tôm quản lý được dịch bệnh trên tôm, hệ số thức ăn sao cho hiệu quả nhất, giúp giảm giá thành nhỏ nhất có thể, nhưng chất lượng con tôm luôn được đảm bảo. 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao CPF tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú chia sẻ, ông đang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2 ha. Với giá tôm hiện khoảng 180.000 đồng/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ. Theo ông Phong, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt. Khi làm tốt những quy trình bắt buộc trong kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, tỉ lệ con tôm sống sót lên đến 95%. 

Để con tôm công nghệ cao phát huy hết hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bến Tre, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ là điều không thể thiếu trong chuỗi sản xuất quy mô lớn này. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã kết nối với các doanh nghiệp có năng lực mạnh về nuôi trồng thủy sản nói chung, con tôm nói riêng với người nuôi tôm Bến Tre. Điển hình, 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đã liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để hỗ trợ cho ngư dân về kỹ thuật, cung ứng vật tư, con giống, thức ăn và tiêu thụ để nuôi tôm công nghệ cao. Qua đó, tổng diện tích của mô hình này hơn 2.000 ha, năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha, ước sản lượng đạt 40.000 tấn. Tuy mới nuôi tôm công nghệ cao 2 năm nhưng hiệu quả  mô hình này đạt rất cao, gần 90% ao nuôi có lãi và diện tích ao nuôi ngày càng tăng lên.

Con tôm nói riêng và ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre nói chung muốn phát triển bền vững, đặc biệt là bền vững trong quá trình chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thì cần có một chiến lược phát triển lâu dài, cùng hệ thống giải pháp đồng bộ đi theo.

Ông Huỳnh Quang Đức cho biết, tỉnh Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tập trung vào các nội dung trọng tâm như: xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị, xây dựng chương trình phát triển thủy sản, kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao; vận động người dân tập trung phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng nâng cao hiệu quả, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Chú thích ảnh
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Thạnh Phú (Bến Tre) hướng dẫn người dân nuôi tôm càng xanh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp giấy chứng nhận áp dựng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cùng đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch, chính sách của tỉnh, nhằm khuyến khích áp dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt trong công tác quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại. 

Sở Nông nghiệp phối hợp với Sở Công Thương Bến Tre tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng và mở rộng thị trường. phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, góp phần đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các giải pháp về kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trí – Nhung – Hậu (TTXVN)
Ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn- Bài 1: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi
Ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn- Bài 1: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi

Bến Tre là một trong 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn hán và xâm nhập mặn trong những năm qua. Đặc biệt, đây là địa phương nằm ở cuối nguồn sông Mekong, nên sức ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn tác động vào đời sống, sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre biểu hiện rất rõ qua sự thiếu nước sinh hoạt, sản xuất bị thiệt hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN