Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài cuối

Theo dự toán ngân sách năm 2016, nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm 7.900 tỉ đồng và chỉ chiếm 5,4% tổng thu dự toán ngân sách. Tuy nhiên, đây là dự toán dựa trên kịch bản giá dầu là 60 USD/thùng. Theo VEPR, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng, ngân sách sẽ bị giảm hơn 40.000 tỉ đồng.

GIẢI BÀI TOÁN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH

Nguồn thu từ dầu thô chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu ngân sách quốc gia và tình trạng giá dầu sụt giảm đặt ra một bài toán khó trong điều hành cân đối thu chi ngân sách trong năm 2016.

Thu từ dầu thô giảm mạnh

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính công bố cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2016, thu từ dầu thô chỉ bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015 và đóng góp vỏn vẹn 3,6% vào tổng thu ngân sách nhà nước. Nộp ngân sách của ngành dầu khí trong rất nhiều năm không dưới con số 10.000 tỉ đồng, một tháng ít nhất cũng phải đạt 5.000 tỉ đồng. Những đợt giảm mạnh, liên tục của giá dầu thô trên thị trường thế giới đã khiến giá dầu thô xuất khẩu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giảm mạnh theo. Cùng với giá xăng, dầu thành phẩm nhập khẩu cũng giảm nên nguồn thu ngân sách đầu năm nay giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách từ dầu thô tính đến ngày 15/12/2015 ước đạt 62,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 7,1% tổng thu ngân sách cả nước. Con số này chỉ bằng 67,1% so với mức dự toán đầu năm.

Giàn công nghệ trung tâm số 2 của mỏ Bạch Hổ.Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Về tác động của diễn biến giá dầu tới ngân sách, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, tuy ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô có xu hướng thu hẹp trong cơ cấu thu, song vẫn đóng vai trò là một nguồn thu quan trọng. Trung bình nếu giá dầu thô giảm 1 USD/thùng, thu ngân sách từ các nguồn sẽ sụt giảm trung bình khoảng 2.100 tỉ đồng, trong đó thu từ dầu sẽ giảm tương ứng gần 1.400 tỉ đồng.

Theo dự toán ngân sách năm 2016, nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm 7.900 tỉ đồng và chỉ chiếm 5,4% tổng thu dự toán ngân sách. Tuy nhiên, đây là dự toán dựa trên kịch bản giá dầu là 60 USD/thùng. Theo VEPR, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng, ngân sách sẽ bị giảm hơn 40.000 tỉ đồng. Mức giảm sẽ là gần 60.000 tỉ đồng nếu giá dầu tiếp tục đứng quanh mức hiện tại 32 USD/thùng trong năm 2016. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu xuống mức 20 USD/thùng, ngân sách có thể sụt giảm tới gần 85.000 tỉ đồng. “Như vậy, trong trường hợp không có những đột biến theo hướng tích cực xảy ra trên thị trường dầu mỏ, và giá dầu sẽ vẫn ở dưới ngưỡng 40 USD/thùng trong năm 2016, nguồn thu ngân sách sẽ bị tác động tương đối nặng nề”, VEPR nhận định.

Tìm hướng để ngân sách tăng trưởng bền vững

Theo VEPR, việc giá dầu giảm mạnh cảnh báo nguy cơ lặp lại những khó khăn của Chính phủ trong việc tạo lập cân bằng tài khóa như đã xảy ra trong năm 2015.

“Thu từ dầu thô đã không còn là nguồn có tỉ trọng lớn như 5 - 10 năm trước. Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của xuất khẩu dầu thô đã giảm sâu từ 27% vào năm 1996 xuống còn 11% vào năm 2014 và 6% vào năm 2015. Để bù đắp số thu từ dầu thô, Bộ Tài chính sẽ phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mức cao nhất”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Do vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, công tác lập dự toán ngân sách cần được thực hiện dựa trên những kịch bản phù hợp, có độ an toàn cao, tránh gây rủi ro cho kỷ luật tài khóa. Xu hướng diễn biến bất lợi của thị trường dầu thô trong năm 2016 đang tạo ra những áp lực lớn lên mục tiêu giữ mức thâm hụt ngân sách dưới mức 5% GDP. Điều này đòi hỏi những biện pháp, quyết tâm chính trị mạnh mẽ để giảm chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên vốn được mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Một dấu hiệu đáng mừng là trong hai tháng đầu năm, tuy thu từ dầu thô chỉ bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015 và đóng góp vỏn vẹn 3,6% vào tổng thu ngân sách nhà nước nhưng thu nội địa lại tăng mạnh đạt 139,98 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015. Từ năm 2015 khi giá dầu thô đã giảm hơn một nửa so với mức giá để xây dựng kế hoạch thu ngân sách thì nền kinh tế vẫn trên đà phục hồi, tăng trưởng tốt, thu ngân sách tuy có nhiều khó khăn nhưng vẫn vượt kế hoạch.

Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, phần hụt thu từ dầu thô đã được bù đắp bởi phần thu từ nội địa. Nó cho thấy mặc dù giá dầu giảm gây khó khăn cho các doanh nghiệp dầu khí, nhưng ngược lại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại được hưởng lợi do giá đầu vào giảm. Tất nhiên, số thu từ nội địa tăng từ việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang tốt lên không chỉ do chi phí đầu vào từ xăng, dầu giảm, nhưng đó là một yếu tố rất quan trọng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: Nguồn thu ngân sách nhà nước nếu dựa nhiều vào thu từ khai thác tài nguyên là thiếu bền vững. Đây là những lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế, đồng thời làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tính bền vững thu ngân sách nhà nước chỉ tăng lên khi cơ cấu thu ngân sách nhà nước chuyển sang dựa chủ yếu vào thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, giá xăng dầu giảm khiến chi phí sản xuất sẽ giảm; tình hình kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn. Nhờ đó, thu thuế nguồn thu thuế nội địa sẽ tăng lên và ngân sách sẽ được hưởng lợi. Chi tiêu và đầu tư của Chính phủ giảm và được bù đắp bằng chi tiêu và đầu tư tăng lên của khu vực tư nhân và người dân”.
Thu Hường
Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài 1
Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài 1

Kể từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu đã giảm tới 70%, không chỉ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam mà còn đặt ra bài toán khó cho nguồn thu ngân sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN