Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, những ưu đãi mà các FTA mang lại cho ngành hàng xuất khẩu Việt Nam là rất lớn nhưng cũng chỉ là những lợi thế so sánh mang tính giai đoạn, trước khi các “đối thủ” cũng tham gia các FTA. Để tận dụng hiệu quả những ưu đãi hiện tại tạo đà thúc đẩy xuất khẩu lâu dài, bền vững, quan trọng nhất các doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh về mặt chất lượng; ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần thúc đẩy chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo xu hướng phát triển chung trên toàn cầu.
Tạo thương hiệu từ chất lượng
Từ thực tế cho thấy, chìa khoá giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA và tạo được chỗ đứng tại các thị trường chính là việc đầu tư đúng mức cho chất lượng và thương hiệu.
Cụ thể, sau nhiều năm xuất khẩu gạo vào châu Âu dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài, năm 2020 Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có quyết định liều lĩnh khi dừng cung cấp hàng “xá” (hàng đóng bao trắng) cho các khách hàng để xây dựng thương hiệu gạo Trung An và chỉ bán gạo vào châu Âu dưới bao bì thương hiệu Trung An.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, thời điểm đó, công ty đang có khoảng 6-7 khách hàng nhập gạo ổn định ở châu Âu. Khi đưa ra quyết định chuyển hướng, nhiều người đã e ngại rằng công ty sẽ bị mất khách quen và sản lượng xuất khẩu đi châu Âu sẽ sụt giảm. Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại, doanh số bán hàng của Trung An không ngừng tăng lên và hiện gạo sạch của Trung An này đã đứng đầu tại thị trường Đức.
Theo ông Phạm Thái Bình, vấn đề xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, mà muốn xây dựng thương hiệu phải đi kèm với chất lượng và tính ổn định. Để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo cần làm chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP thực thụ; nên chọn lọc sản phẩm phù hợp với thị trường châu Âu là các loại gạo sạch hoặc hữu cơ chất lượng cao.
“Nhiều người cho rằng, khi châu Âu miễn thuế nhập khẩu gạo, họ sẽ tăng độ khó về hàng rào kỹ thuật, để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thật ra, việc bảo hộ doanh nghiệp quốc nội nước nào cũng làm; tuy nhiên châu Âu không trồng hoặc trồng ít lúa gạo, hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, 80.000 tấn gạo nhập của Việt Nam chỉ là số nhỏ, do đó sẽ không bị lấy hàng rào kỹ thuật để gây khó. Điều quan trọng là chúng ta phải làm đúng, làm thật về truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Đối với thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam phân tích, một trong những yếu tố thành công của các doanh nghiệp thủy sản trong việc nhanh chóng tận dụng được những ưu đãi do CPTPP mang lại chính là sự chủ động chuẩn bị và xây dựng trước hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất chế biến. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU - vốn là thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn và qui trình nghiêm ngặt, do đó họ đã áp dụng các tiêu chuẩn cao của thế giới để quản lý hệ thống nuôi, chế biến.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp thủy sản cũng đang dần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hơn với các yêu cầu của thị trường từ khâu quản lý chất lượng, đến truy xuất nguồn gốc và hướng đến doanh nghiệp có trách nhiệm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về nuôi, chế biến, trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu nếu doanh nghiệp muốn thâm nhập và khối CPTPP hay các thị trường khác.
Xanh hóa nền kinh tế
Các chuyên gia cho rằng, nếu như những năm trước “bền vững” và “xanh hóa” chỉ là xu hướng dành cho các phân khúc thị trường cao cấp, thì nay đã dần trở thành yêu cầu tất yếu của rất nhiều quốc gia trên thế giới vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế không tách rời với bảo vệ môi trường.
Tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức vào cuối tháng 11 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa các bon và phát triển bền vững.
Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng đều áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân" các bon lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu; trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, để thúc đẩy xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào, điều kiện đầu tiên cần đáp ứng là việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Việt Nam đang có lợi thế lớn khi có nguồn cung nông sản rất đa dạng nhưng cũng đối mặt với việc gia tăng số lượng cảnh báo kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh đặc biệt là đối với nông sản và các sản phẩm thủy hải sản.
Do đó, Việt Nam cần tích cực tham gia các chương trình tự nguyện về dán nhãn và chứng nhận quốc tế nhằm thúc đẩy công nghệ sản xuất có trách nhiệm với việc tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
Sản xuất xanh và thương mại xanh không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp mà các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc cũng cần được “xanh hóa”; sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao.
Theo ông Bartosz Cieleszynski, sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn lao động quốc tế ngày càng đóng vai trò lớn tại các nền kinh tế phát triển. Điều này liên quan đến nhận thức của xã hội về sự cần thiết bảo vệ môi trường sống.
Vì vậy, các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cần làm quen với lựa chọn của người tiêu dùng và đáp ứng các kỳ vọng của họ bằng việc cung ứng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, xanh và thân thiện môi trường. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt.
Chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích từ việc theo đuổi chiến lược “xanh hóa” sản xuất trong ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Phong Phú Jean Group cho biết, để trở thành nhà cung ứng cho các thương hiệu và bán lẻ trên toàn cầu, từ nhiều năm qua, Phong Phú Jean đã xây dựng chuỗi cung ứng khép kín hàng dệt may với nguyên liệu vải và sản xuất bền vững.
Theo đó, Phong Phú ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cũng vận hành hệ thống năng lượng mặt trời và thực hành tiết kiệm tại các nhà máy, giúp giảm thải hơn 1.100 tấn CO2/năm.
Việc theo đuổi chiến lược sản xuất bền vững giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng, từ đó nâng cao uy tín đối với những nhãn hàng cao cấp. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về đơn hàng thì những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững sẽ có lợi thế vượt trội để trở thành đối tác, nhà cung ứng vào các thị trường quan trọng.