Nghị định 83 sẽ không còn phù hợpChủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ đã cảnh báo như vậy tại hội thảo “thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế” do Hiệp hội của ông tổ chức vào ngày 16/5.
Theo ông Ruệ, Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đang là công cụ khá hiệu quả giúp bình ổn thị trường xăng dầu trong nước cũng như đảm bảo lợi ích của nhà nước thông qua các sắc thuế, lợi ích người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Tuy nhiên, Nghị định này trở nên bất cập trước sức ép mở cửa thị trường hiện nay thông qua cam kết giảm thuế nhập khẩu xăng về 0% vào năm 2024 trên tinh thần của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Với nguồn thu thuế từ xăng dầu chiếm tới 7% như hiện nay, ngân sách của nhà nước sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng khi thuế nhập khẩu xăng dầu về mức 0%, ông Ruệ cảnh báo.
Đồng quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng chỉ ra những bất cập trong sắc thuế xăng dầu hiện nay.
Theo ông Tuyển, với lộ trình cam kết giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các FTA khác nhau như hiện nay, doanh nghiệp sẽ tìm cách nhập khẩu từ thị trường có thuế suất theo từng mặt hàng thấp nhất.
Cụ thể, với thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc là 10% - mức thấp nhất trong các FTA, còn thuế nhập khẩu diesel trong ASEAN là 0%. Nhiều doanh nghiệp đầu mối đang đổ dồn vào một thị trường để nhập khẩu và hưởng thuế thấp.
Minh chứng rõ nhất là trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có thể bị ép giá.
Cũng không loại trừ tình trạng có những doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp. Khi đó, người bán nước ngoài hưởng lợi, nhà nước thì giảm nguồn thu còn người tiêu dùng thì bị thiệt, ông Tuyển nhấn mạnh.
Xây dựng công cụ thuế linh hoạt Thực tế là từ năm 2016, Bộ Tài chính đã áp dụng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo từng khối lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các FTA để xác định giá cơ sở làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá này thường căn cứ trên số liệu của quý trước áp cho quý sau. Vì vậy, cách áp thuế này sẽ phải điều chỉnh lại để thích ứng với diễn biến giá xăng dầu thất thường (lúc cực cao, lúc cực thấp) như thời gian vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ chỉ rõ.
Theo đó, thuế nhập khẩu xăng dầu nên đưa về mức thấp nhất để hạn chế tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh nhập khẩu bằng mọi giá để hưởng lợi thuế nhập khẩu thấp. Khi đó, Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế khác như thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt để bù đắp nguồn thu bị giảm đi do cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, ông Tuyển đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị thay đổi cơ chế hoạt động của Quỹ bình ổn xăng dầu và hình thành sàn giao dịch Xăng dầu để giá xăng dầu trong nước cạnh tranh đúng nghĩa giữa các doanh nghiệp phân phối, mang lại lợi ích thực sự cho người tiêu dùng.
Ông Phan Thế Ruệ cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 83 theo hướng dài hơi hơn, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo đó, Hiệp hội nhất trí với lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường để khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2024 vẫn đảm bảo các sắc thuế chiếm trên 50% trong cơ cấu giá xăng dầu.
Đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân, vì vậy, nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, ông Ruệ nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho biết, đề xuất điều chỉnh khung thuế môi trường từ mức 1.000-4.000 đồng/lít như hiện nay lên mức 4.000-8.000 đồng/lít cũng sẽ phải tính đến sức chịu đựng của nền kinh tế. Khung là giới hạn cho phép, còn mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Chính phủ tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.