Theo đó, áp dụng với các trường hợp như Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án trong phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án trong phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm quy định về hồ sơ, nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư phải có “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di tích và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ xu hướng phân cấp cho các địa phương, thực hiện quy trình thủ tục theo hướng công khai, minh bạch và gắn rõ trách nhiệm. Điều này giúp tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại hiện nay tại nhiều địa phương, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức.
Tuy nhiên, VCCI lưu ý là theo quy định thì “việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với… di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Như vậy, việc chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại Luật Di sản văn hóa được lồng ghép vào quy trình thẩm định chủ trương đầu tư ban đầu hay là một thủ tục độc lập tách ra khỏi thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư? Nếu là thủ tục lồng ghép thì cần phải sửa lại quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa để tạo cách hiểu thống nhất. Nếu là thủ tục độc lập thì cần xử lý quy trình để tránh thủ tục trùng lặp gây tốn kém và khó khăn cho nhà đầu tư.